Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian nan việc tái chế rác thải

Hà Tuấn| 26/06/2013 07:00

(HNM) - Trung bình mỗi năm TP Hồ Chí Minh phải chi không dưới 1.000 tỷ đồng cho công tác vận chuyển, xử lý rác thải. Tuy nhiên, phần lớn lượng rác này vẫn chỉ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp thủ công, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) vẫn chỉ xử lý rác theo cách thu gom và chôn lấp.



Theo bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Quỹ tái chế chất thải thành phố (TP), hiện trung bình TP phải thu gom trên 7.000 tấn rác sinh hoạt/ngày, trong đó, hơn 80% tổng lượng chất thải đang phải xử lý bằng hình thức chôn lấp. Nhưng hiện những bãi tập kết rác theo kiểu này đã quá tải và điều đáng lưu tâm là với hình thức xử lý rác thủ công như vậy làm ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài đến môi trường xung quanh. Ngay các bãi rác như Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), Gò Cát (huyện Bình Chánh)… dù đã đóng cửa nhưng trong bán kính vài ki lô mét, nguồn nước ngầm đến giờ vẫn có những dấu hiệu ô nhiễm. Liên quan đến vấn đề này, Viện Môi trường và tài nguyên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã từng triển khai khảo sát và cho ra kết quả: Phương pháp chôn lấp sẽ không làm cho rác bị phân hủy mà còn làm cho khí độc CO2, CH4, NH3… phát tán trong môi trường.

Theo tính toán của ông Lê Minh Tâm (Phòng Quản lý chất thải rắn - Sở Tài nguyên và Môi trường, chỉ với chất thải rắn (chiếm 60% lượng rác thải sinh hoạt) thì chi phí chôn lấp là khoảng 300.000 đồng/tấn. Nếu số rác này được tái chế sẽ tiết kiệm riêng phí chôn lấp được gần 1,3 tỷ đồng/ngày. Trong khi đó, trên 50% rác thải gia đình có thể làm phân compost và trên 50% rác có thể tái chế thành các sản phẩm có ích.

Lợi ích của việc tái chế nguồn rác thải là không thể phủ nhận, tuy nhiên, theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, hiện trên địa bàn thành phố, các cơ sở tái chế chủ yếu hoạt động quy mô vừa và nhỏ. Hơn 90% trong số đó không có cán bộ chuyên trách về môi trường và không có hệ thống xử lý nước thải. Vì thế, các cơ sở này rất khó để đầu tư công nghệ mới và tái chế ra những sản phẩm có giá trị. Vì vậy, UBND TP vừa kiến nghị Thường trực Thành ủy xem xét, chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện nhiều dự án như: Dự án nhà máy tái chế và xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại công suất 500 tấn/ngày, diện tích 15ha tại phân khu quy hoạch xử lý chất thải rắn công nghiệp và nguy hại 17ha thuộc Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước; Dự án xây dựng bãi chôn lấp chất thải nguy hại an toàn công suất 100 tấn/ngày, diện tích 6,3ha tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp; Dự án khu phức hợp quản lý chất thải công nghiệp tổng hợp thành phố công suất 200 - 360 tấn tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp.

Thạc sỹ Lê Minh Tâm cho biết thêm, tất cả các dự án này đang giai đoạn kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc huy động nguồn vốn cho các dự án là gian nan, chưa nói khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Vì vậy, mục tiêu đến năm 2015, trong 100% chất thải rắn thông thường ở đô thị, chất thải nguy hại, chất thải y tế ở TP có 40% làm phân compost, 10% tái chế, 10% đốt phát điện, 40% chôn lấp hợp vệ sinh… là vấn đề không dễ làm, nếu không có những quyết sách đột phá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gian nan việc tái chế rác thải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.