(HNM) - Thời gian qua, các quy định pháp luật về quyền tác giả được ban hành, đồng thời nhiều cuộc hội thảo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này được tổ chức sôi nổi. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền tác giả vẫn diễn biến phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi...
Nhiều hội sách giảm giá ưu đãi được tổ chức để độc giả tiếp cận sách có bản quyền. Ảnh: Nhật Nam |
Vô số hình thức vi phạm
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, tình trạng vi phạm quyền tác giả ngày càng phức tạp, với nhiều hình thức. Ở lĩnh vực xuất bản, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books) Trần Phương Thảo cho biết, việc phổ biến sách vô cùng dễ dàng, sự trải nghiệm sách cũng đa dạng hơn với các thể loại sách tương tác, sách 3D, 4D… thế nhưng điều đó cũng khiến sách dễ bị chia sẻ tràn lan hơn. Mỗi năm, Thái Hà Books xuất bản khoảng hơn 1.000 đầu sách và 1/4 trong số đó bị vi phạm bản quyền, đặc biệt là các ấn bản ebook, audio book.
Mới đây, giới mỹ thuật rất bức xúc về việc họa sĩ Đặng Tiến bị một trang web ngang nhiên rao bán những bức tranh giống hệt của mình với giá rẻ. “Tranh của tôi vẫn giữ ở nhà, chưa có ý định bán, vậy trang web đó đã rao bán?”, họa sĩ Đặng Tiến lên tiếng. Ông cho biết, có lẽ thói quen đưa tranh mới vẽ lên mạng của mình để giới thiệu với bạn bè đã bị sao chép. Vì nhìn kỹ, những bức tranh này khá non tay, cả về phối màu và đường nét.
Nhạc sĩ Hoàng Thu Trang cũng đã mất rất nhiều thời gian để “đòi” lại ca khúc “Điều em muốn nói” mà một ca sĩ trẻ mạo nhận là sáng tác của mình trên sóng truyền hình và mạng internet. Ca sĩ trẻ này còn “nhanh tay” đăng ký ủy quyền quản lý, khai thác quyền tác giả ca khúc tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Chỉ khi chủ nhân ca khúc đưa ra bằng chứng sáng tác cùng đăng ký quyền tác giả, ca sĩ trẻ này mới “lặng im”.
Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở VH-TT Hà Nội nhận xét, vi phạm chủ yếu hiện nay là sử dụng bản ghi âm ca nhạc với mục đích thương mại mà không trả tác quyền; sao chép “lậu” các băng đĩa ca múa nhạc, sân khấu; cam kết thực hiện quyền tác giả trong hồ sơ cấp phép biểu diễn nhưng sau đó không hoàn thành…
Không thể chùn bước
Bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan không có cách nào hơn là việc vào cuộc đồng bộ và quyết liệt bằng nhiều biện pháp của chính tác giả, chủ sở hữu, các cơ quan, đơn vị quản lý. Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL), hiện nay, cùng với Luật Sở hữu trí tuệ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 20-1-2017 phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23-2-2018 quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan, có hiệu lực từ ngày 10-4-2018, với nhiều điểm mới đang trở thành công cụ hữu hiệu bảo vệ tác giả sáng tạo.
Tại Hà Nội, UBND thành phố cũng vừa ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 12-6-2018 thực hiện Đề án tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn thành phố.
Trong đó, thành phố đặc biệt chú trọng đến việc phối hợp xây dựng bộ Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản quyền tác giả, quyền liên quan, công cụ phần mềm quản lý và tra cứu phát hiện vi phạm trên internet; thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng ngừa và xử lý vi phạm; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý và tuyên truyền phổ biến việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan.
Thực tế số người thiếu kiến thức về quyền tác giả không phải là hiếm. Mới đây, trên group Facebook Viet Art Now của giới mỹ thuật xảy ra chuyện một thành viên trẻ đăng tải tranh ghi tên mình sáng tác giống y hệt một tác phẩm ảnh. Khi tác giả và các thành viên khác phản ứng gay gắt thì thành viên trẻ này mới vỡ lẽ và nói rằng, do mình không hiểu biết nên “quên” ghi tên tác giả ảnh.
Trường hợp bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” bị khán giả livestream (đăng tải trực tuyến) lên Facebook ngay khi vừa công chiếu cũng vậy. Khi bị bắt quả tang, mời lên cơ quan công an, họ mới thú thật là nếu biết vi phạm pháp luật đã không dám làm. Vì thế, công tác tuyên truyền rộng rãi kiến thức pháp luật về quyền tác giả vô cùng quan trọng.
Trong giới âm nhạc, các nghệ sĩ khi phát hành album đã sử dụng mã bảo mật và nhiều chính sách ưu đãi, tương tác trực tiếp để khuyến khích khán giả sử dụng bản ghi âm, ghi hình chính thức. Các nhà xuất bản cũng liên kết với nhau tổ chức nhiều hội sách, giảm giá để độc giả có thêm cơ hội sở hữu xuất bản phẩm thật.
Về phía các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật, ông Nguyễn Văn Trực cho biết, Sở VH-TT Hà Nội đã tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực cài đặt phần mềm máy tính, chế tạo sản phẩm hàng hóa, thiết kế… về thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan.
Đại diện Sở VH-TT Hà Nội cũng kiến nghị các cấp cần ban hành những chế tài xử phạt mạnh hơn, phù hợp với những quy định mới; công bố thủ tục hành chính về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan thống nhất trên toàn quốc; sớm xây dựng, vận hành và tổ chức hướng dẫn các địa phương tra cứu, ứng dụng bộ Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản quyền tác giả… để quản lý hữu hiệu hơn.
Thực tế cho thấy, vấn đề vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong kỷ nguyên số sẽ ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Vì vậy, các cơ quan thực thi pháp luật càng phải quyết liệt hơn, không thể chùn bước trước vi phạm quyền tác giả; có như vậy mới tạo môi trường lành mạnh, ủng hộ và kích thích sự sáng tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.