Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm thiệt hại do lũ rừng ngang

Kim Nhuệ| 05/09/2022 06:22

(HNM) - Những năm qua, các huyện phía Tây thành phố Hà Nội chịu nhiều thiệt hại về tài sản, hoa màu do lũ rừng ngang gây ra. Thực tế này đòi hỏi các cấp, các ngành của thành phố phải nghiên cứu, nhận diện nguyên nhân chính, có biện pháp phòng, chống kịp thời làm giảm nhẹ thiệt hại do lũ rừng ngang, bảo đảm ổn định đời sống người dân.

Thành phố Hà Nội đầu tư kiên cố hơn 1,3km đê xung yếu tả Bùi, đoạn qua huyện Chương Mỹ.

Nhận diện nguyên nhân

Sau gần 8 năm thực hiện Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7-10-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy, ngân sách nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cao năng lực công trình chống lũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, như nạo vét một số đoạn sông Đáy, sông Bùi; xây dựng các tuyến kè chống sạt lở, nâng cấp đê hữu Bùi và một số đoạn đê các sông Tích, Mỹ Hà… Thế nhưng thực tế, các huyện phía Tây thành phố như: Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức vẫn bị thiệt hại do lũ trên các sông: Tích, Bùi, Mỹ Hà gây ra.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Học, 8 năm qua, hầu như năm nào địa phương cũng bị thiệt hại do úng ngập gây ra. Nghiêm trọng nhất là các năm 2017 và 2018, lũ trên sông Bùi vượt mức lịch sử khiến 3.024 hộ dân bị ngập sâu trong khoảng 20 ngày, hàng nghìn héc ta cây trồng, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, hàng vạn gia cầm bị chết, cuốn trôi…

Tương tự, nhiều khu dân cư và diện tích sản xuất nông nghiệp của các huyện: Mỹ Đức, Quốc Oai từng bị ngập lụt trong nhiều ngày vì lũ lớn, nước sông rút chậm. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, người dân và lãnh đạo các huyện mong cơ quan chức năng đánh giá nguyên nhân; đồng thời đề xuất thành phố tăng cường đầu tư hệ thống công trình chống lũ lụt, úng ngập trên địa bàn.

Liên quan nội dung trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Phạm Quang Đông cho rằng, nguyên nhân gây ngập lụt khu vực hữu Bùi, hữu Tích là do mưa lớn nội tại và lũ từ dãy núi thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hòa Bình đổ về. Hơn nữa, địa hình vùng hữu Tích, hữu Bùi có nhiều khu vực thấp trũng, tiêu thoát nước rất khó khăn; lòng sông Tích, sông Bùi nhỏ hẹp, dòng chảy quanh co khiến việc thoát lũ rất chậm.

Bên cạnh đó, vùng hữu Bùi trước đây là khu chậm lũ nên hệ thống công trình tiêu thoát nước chưa được đầu tư thỏa đáng. Việc thực hiện các giải pháp phòng, chống lũ như nâng cấp đê, nạo vét lòng dẫn chưa được triển khai đồng bộ. Cụ thể hơn, một số đoạn đê trong lưu vực còn thiếu cao trình chống lũ so với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, số lượng các hộ dân sinh sống, canh tác tại khu vực bãi sông, khu vực thấp, trũng thường xuyên ngập lụt còn rất lớn. Công tác di dân tái định cư chưa thể thực hiện do khó khăn về quỹ đất, định hướng quy hoạch cũng như tập quán sinh sống, canh tác của người dân địa phương…

Đại diện chủ đầu tư, nhà thầu kiểm tra tiến độ thi công hạng mục cụm công trình Dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích.

Cần nhiều giải pháp

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, giảm thiệt hại do lũ lụt gây ra, ngày 30-5-2022, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã chủ trì cuộc họp nghe các sở, ngành, địa phương báo cáo về việc nghiên cứu giải pháp phòng, chống ngập lụt cho lưu vực sông Bùi và vùng phụ cận. Tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể phòng, chống ngập lụt trên lưu vực các sông: Tích, Bùi…

“Thực hiện chỉ đạo trên, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa báo cáo UBND thành phố kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp phòng, chống ngập lụt cho lưu vực sông Bùi và vùng phụ cận ảnh hưởng của lũ rừng ngang”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết.

Theo đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất thành phố hai giải pháp công trình và phi công trình. Đối với giải pháp công trình, thành phố cần tăng cường đầu tư hoàn thiện tuyến đê tả Bùi, hữu Bùi và các tuyến đê bao khép kín vùng bảo vệ theo Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy; nâng cấp, xây dựng mới các hồ chứa nước; các trạm bơm tiêu, cống tiêu; xây dựng các tuyến kênh thu nước, cách ly lũ rừng ngang; cải tạo, nạo vét các sông Tích, Bùi, Đáy.

Bên cạnh giải pháp công trình, Sở NN&PTNT đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan có các giải pháp quản lý xây dựng, bố trí sắp xếp dân cư, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, chuẩn bị kế hoạch ứng phó với ngập lụt...

Là chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phòng, chống ngập lụt, úng cho lưu vực sông Bùi và vùng phụ cận”, PGS.TS Bùi Nam Sách (Viện Quy hoạch thủy lợi, Bộ NN&PTNT) cho rằng, Hà Nội cần kết hợp cả hai giải pháp trên, trong đó ưu tiên giải pháp công trình. Tuy nhiên, thực hiện giải pháp này, Hà Nội cần nguồn lực rất lớn, lên tới khoảng 26.100 tỷ đồng.

Như vậy, nguyên nhân và giải pháp giảm thiệt hại do lũ lụt gây ra đã có. Dù còn nhiều khó khăn, việc thực hiện các giải pháp đó cần sớm từng bước triển khai để ổn định cuộc sống người dân trước thách thức của biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm thiệt hại do lũ rừng ngang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.