(HNMO) - Tối nay (8-9), mực nước sông Bùi, Tích lên nhanh, đã vượt báo động lũ cấp I. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội lệnh báo động lũ các sông nêu trên, chỉ đạo các địa phương triển khai ngay phương án ứng phó lũ rừng ngang.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, hôm nay, thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa từ 7h đến 19h ngày 8-9 tại Hà Nội phổ biến 30-70mm, có nơi lớn hơn, như: Trạm Vân Đình (huyện Ứng Hòa) 179,6mm, Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) 150,8mm, Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) 287,8mm, Miếu Môn (huyện Chương Mỹ) 178,6mm...
Nhiều nơi thuộc tỉnh Hòa Bình, tiếp giáp thành phố Hà Nội, xảy ra mưa đặc biệt lớn, như: Trạm Thanh Lương 323,8mm, Thanh Hà 323,8mm, Cao Răm 320,8mm, Tu Lý 207mm, Lâm Sơn 157mm, Kim Bôi 144mm... Do mưa nội địa Hà Nội lớn kết hợp lượng nước rất lớn từ tỉnh Hòa Bình dồn về nên mực nước sông Tích, sông Bùi lên rất nhanh, đạt báo động lũ cấp I và tiếp tục dâng cao trong thời gian tới.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lục địa kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên đêm nay và ngày mai, Hà Nội tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa tại khu vực trung tâm và các huyện phía Tây thành phố 40-70mm; các huyện phía Bắc 30-50mm; các huyện phía Nam 60-90mm, có nơi lớn hơn...
Trước thực tế và dự báo nêu trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội lệnh báo động lũ cấp I trên sông Tích vào hồi 20h ngày 8-9 tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ; lệnh báo động lũ cấp I trên sông Bùi vào hồi 20h10 ngày 8-9 tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố yêu cầu các huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức triển khai ngay phương án phòng, chống lũ rừng ngang; tăng cường hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du hồ, đập thủy lợi theo phương châm "4 tại chỗ"; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả khi lũ lên nhanh; chủ động phương án sơ tán tài sản, người dân ở những vùng có địa hình trũng, thấp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.