Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm tai nạn thảm khốc trên cao tốc: Cần cộng đồng trách nhiệm

Lương Ninh Giang| 28/12/2015 15:04

(HNMO) - Để quản lý hiệu quả các tuyến cao tốc không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của cơ quan quản lý đường, lực lượng chức năng mà cần phải có sự “vào cuộc” mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương.


Lái xe “lớ ngớ” trên cao tốc

Do phương tiện được lưu thông ở tốc độ cao nên tai nạn giao thông (TNGT) khi đã xảy ra trên cao tốc thường rất nghiêm trọng. Theo Cục Quản lý đường bộ cao tốc, trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, tính từ khi khai thác (năm 2012) tới nay đã xảy ra 90 vụ tai nạn làm 46 người chết và 223 người bị thương. Trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tính từ tháng 9-2014 đến nay đã xảy ra 123 vụ TNGT làm 16 người chết và 57 người bị thương và có tới hơn 500 vụ thủng săm, nổ lốp.

Hiện trường một vụ tai nạn


Qua phân tích cho thấy, 75% vụ TNGT có nguyên nhân do sự chủ quan của người điều khiển phương tiện. Thượng tá Đinh Văn Khoan - Độ trưởng đội 5, Cục CSGT (C67 – Bộ Công an) cho biết nhiều lái xe dừng đỗ trên đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương khi bị phạt ngơ ngác nói không biết có quy định cấm đỗ. Qua tiếp xúc với người vi phạm, chúng tôi thấy nhiều lái xe không biết những quy định đặc biệt khi đi trên cao tốc. Thậm chí, có lái xe gác chân lên cửa xe, không để ở phanh, khi bị phạt giải thích là đường êm quá, không có xe chạy cắt ngang nên chả sợ tai nạn, thượng tá Khoan dẫn chứng.

Ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam cho biết trên tuyến Nội Bài - Lào Cai, nhiều vụ tai nạn có nguyên nhân xuất phát từ hành vi dừng đỗ, đón trả khách trái phép của các lái xe và người dân băng đường đón xe khách.

Vi phạm nhiều nhất phải kể tới các đoạn đi qua địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Theo thống kê của Trung tâm Điều hành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có những thời điểm trên toàn tuyến có tới hơn 170 vị trí hàng rào bị người dân cắt phá và khoảng 40 điểm người dân tự ý mở hàng quán trong khu vực đường cao tốc. Đặc biệt, tại địa bàn huyện Trấn Yên và Văn Yên (tỉnh Yên Bái) thời gian qua có hàng chục hộ dân dựng lều bạt ngay hàng rào cao tốc để bán nước uống, đổ nước mui xe tải. Nhiều đoạn tạo thành những bến cóc, có đội xe ôm túc trực đón khách xuống xe. Công ty đã phải dùng mọi biện pháp để ngăn chặn tình trạng người dân tụ tập, đón xe khách trên đường cao tốc, gây mất ATGT, như hàn các lỗ thủng của hàng rào B40, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải ký cam kết không đón, trả khách, cắt cử nhân viên chốt trực tại các điểm nóng để ngăn chặn… nhưng vi phạm vẫn tiếp diễn.

Ngay như tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vừa mới được thông xe đã xuất hiện tình trạng người dân sống hai bên đường ném đá, rải vàng mã trên đường gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Hoặc như tuyến cầu cạn cao tốc vành đai 3 Hà Nội liên tục xuất hiện tình trạng xe khách dừng đỗ đón trả khách bừa bãi, kéo theo các phương tiện xe ôm chạy ngược các đường lên xuống cao tốc để đón khách.

Tuyên truyền rộng, xử lý nghiêm

Tình hình vi phạm nghiêm trọng diễn ra thường xuyên khiến cơ quan quản lý đường lo "sốt vó", thậm chí gửi văn bản tới Sở GTVT các địa phương đề nghị xử lý một số xe thường xuyên dừng đỗ bắt khách trên cao tốc. Đơn cử như trường hợp xe khách 24B - 00502 vừa bị tai nạn trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào chiều ngày 21-12-2015. Ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam bày tỏ mong muốn có trạm CSGT trên tuyến để hỗ trợ xử lý vi phạm. Chúng tôi phát hiện nhiều vi phạm nhưng không có chức năng xử lý, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, Thượng tá Đinh Văn Khoan cho rằng cần thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền chứ tăng cường lực lượng CSGT nhiều hơn cũng không kiểm soát nổi.

Trong khi đó, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT-Công an TP Hà Nội cho rằng, song song với tuyên truyền cần tăng cường kiểm tra, xử phạt. Tuy nhiên, với đường cao tốc cầu cạn vành đai 3-Hà Nội, nếu lập chốt xử phạt ngay trên đường vành đai 3 sẽ càng tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao bởi tốc độ lưu thông của phương tiện rất cao. Do đó, vừa qua Phòng CSGT đã kiến nghị Công an TP Hà Nội và UBND TP Hà Nội cho phép lắp đặt hệ thống camera giám sát để tiến hành phạt “nguội” ngay tại 4 điểm lên xuống đường vành đai 3. Xử phạt nghiêm với mức chế tài cao chắc chắn sẽ từng bước loại trừ hành vi vi phạm này.

Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo vệ có hiệu quả các tuyến cao tốc, không chỉ có sự nỗ lực của các đơn vị chủ đầu tư, đơn vị quản lý tuyến đường, các lực lượng thanh tra, CSGT mà còn cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương nơi dự án đi qua và cả cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó cần tăng cường thêm các biển báo ở khu vực các đường dẫn lên cao tốc như biển báo cấm xả rác, biển cảnh báo kỹ thuật phương tiện… Đặc biệt kiến nghị cơ quan chức năng phải siết chặt hơn công tác đăng kiểm, bởi có rất nhiều phương tiện bể lốp, hỏng máy móc khi lưu thông dù chỉ mới đăng kiểm vài ngày.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm tai nạn thảm khốc trên cao tốc: Cần cộng đồng trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.