Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19

Đình Hiệp| 06/06/2022 15:07

(HNMO) - Chiều 6-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Trước khi biểu quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Cụ thể, chiều 23-5, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội cùng với dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Hầu hết các đại biểu đều tán thành với nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; đồng thời đã lựa chọn các chuyên đề giám sát.

Căn cứ kết quả trên, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao: 

Chuyên đề 1 là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; 

Chuyên đề 2 là việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Còn chuyên đề 3 là việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông) và chuyên đề 4 (Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, đối với chuyên đề 1 về các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và y tế cơ sở, y tế dự phòng, có ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi giám sát của chuyên đề này, tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy, tuyển dụng, quản lý, sử dụng và chế độ, chính sách đối với nhân lực làm công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đối với việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, có ý kiến cho rằng, vấn đề này đã được các cơ quan kiểm toán, thanh tra tiến hành kiểm toán, thanh tra tại các địa phương trong năm 2021; ý kiến khác đề nghị tách nội dung này thành một chuyên đề giám sát riêng và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hiệu quả của việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 là vấn đề được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi và được đa số các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn (61,94%). Kết quả kiểm toán, thanh tra về nội dung này sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để Quốc hội có cơ sở tiến hành giám sát tối cao một cách toàn diện hơn.

“Hơn nữa, thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua cũng bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng. Do đó, việc giám sát kết hợp như chuyên đề sẽ có cái nhìn tổng quan, đầy đủ hơn, góp phần định hướng giải pháp xây dựng và hoàn thiện hơn hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng”, ông Bùi Văn Cường nói.

Đối với chuyên đề 3 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, một số ý kiến đề nghị lựa chọn chuyên đề này để Quốc hội giám sát tối cao, nhằm đánh giá khách quan các kết quả đạt được, chỉ rõ vướng mắc, bất cập, những nội dung không phù hợp và nguyên nhân của bất cập.

Đồng thời, một số đại biểu đề xuất những giải pháp thiết thực để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong những năm tới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc lựa chọn chuyên đề này để giám sát trong năm 2023 là phù hợp. Căn cứ kết quả lựa chọn của các vị đại biểu Quốc hội, chuyên đề này sẽ được giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo kết quả giám sát với Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.