(HNM) - Câu hỏi làm thế nào để đến năm 2015 có thể giải quyết cho 70% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất đã làm
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Giàng Seo Phử, đây là vấn đề chưa có giải pháp xử lý rốt ráo, cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương.
Giáo viên Trung tâm Dạy nghề huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN |
Mới bố trí 38,4% nhu cầu về đất
Tại phiên họp, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết, qua rà soát, tổng hợp, giai đoạn 2005-2012, cả nước có trên 651.570 hộ DTTS nghèo cần đất sản xuất, đất ở, nhưng đến nay các địa phương mới hỗ trợ được 231.575 hộ, đạt 38,4% so với nhu cầu. Hiện số hộ cần tiếp tục hỗ trợ đất, trong đó phần lớn là đất sản xuất từ nay đến năm 2016 rất lớn (326.909 hộ) nhưng không còn quỹ đất để bố trí cho đồng bào. Quốc hội cũng đã nhiều lần bàn giải pháp khắc phục mà chưa giải quyết được. "Để xảy ra tình trạng này, trước hết là do nhiều địa phương chưa làm tốt việc phân bổ đất sản xuất; đất bị thu hồi để phục vụ lợi ích công; thiên tai mất mùa; một số địa phương thiếu đất. Quốc hội cần có nghị quyết về bố trí đất đai cho vùng đồng bào dân tộc" - ông Giàng Seo Phử kiến nghị.
Cũng theo Bộ trưởng Giàng Seo Phử, ngoài việc thiếu đất, đến thời điểm này, vùng đồng bào dân tộc chưa được bố trí đủ nguồn vốn hỗ trợ, cao nhất mới chỉ đạt ở mức 50% nguồn vốn. Bộ trưởng đề nghị tại kỳ họp thứ bảy diễn ra trong tháng tới, Quốc hội cần bố trí bổ sung đủ vốn cho các chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS.
|
Các đại biểu: Trần Quang Chiểu, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Danh Út, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cùng chia sẻ nỗi lo thiếu đất sản xuất, đất ở và cho rằng, đây chính là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo dai dẳng. Đại biểu Danh Út đề nghị bộ trưởng các bộ liên quan cho biết vì sao những hệ lụy trên đã xảy ra từ nhiều năm nay nhưng ngân sách cho công tác này lại bố trí rất "ngập ngừng": Năm 2013 không bố trí đồng nào, năm 2014 chỉ bố trí hơn 5,4% so với số cần có. Đại biểu đặt câu hỏi, theo nghị quyết của Quốc hội thì đến năm 2015 phải giải quyết cho 70% số hộ có đất ở, đất sản xuất, liệu có làm được không?
Nhiều bất cập cần giải quyết
Cho rằng đây là vấn đề chưa có giải pháp rốt ráo, Bộ trưởng Giàng Seo Phử thông tin: Ở những vùng miền núi đặc biệt khó khăn, người dân còn không có đất ở thì nói gì đến đất sản xuất. Nhưng cũng có các tỉnh bố trí đất chưa hợp lý, điển hình là khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ, do đó, cần sắp xếp lại quỹ đất. Ủy ban Dân tộc của Chính phủ không có chức năng quản lý đất đai, không có quyền bố trí nguồn lực, cũng không được giao nhiệm vụ thực thi việc đó. Song, với trách nhiệm của mình, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ đã nhiều lần kiến nghị các bộ, địa phương cùng nhập cuộc giải quyết nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.
Tham gia phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, việc thiếu đất sản xuất là vấn đề lớn, cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng bày tỏ lạc quan và cho rằng, có hướng xử lý hiệu quả vấn đề trên. Ông cho biết, hiện nay ở nhiều địa phương không còn đất bố trí cho đồng bào sản xuất nông nghiệp nhưng quỹ đất lâm nghiệp còn nhiều, vì thế, sẽ đẩy mạnh giao đất, giao rừng, khoán rừng cho đồng bào. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thí điểm giao đất, giao rừng cho đồng bào DTTS ở các thôn, bản. Đến nay, đã có 5.427 hộ dân được giao 118.000ha. Song song với biện pháp này, các ngành, các cấp cần tăng cường hỗ trợ đồng bào sản xuất hiệu quả hơn trên diện tích hiện có; rà soát lại các nông, lâm trường quốc doanh theo nghị quyết của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, có thể thu hồi một phần đất phù hợp để tiếp tục ưu tiên giải quyết cho đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn. Đây cũng là một trong các giải pháp thoát nghèo bền vững.
Ngoài hỗ trợ đất, kỹ thuật canh tác, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhận định, cần ưu tiên tiếp tục tập trung nguồn lực cho đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu đối với những vùng khó khăn, tăng nguồn vốn vay phát triển sản xuất để bà con có điều kiện phát huy nội lực; giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cam kết, thời gian tới, vùng đồng bào DTTS sẽ được phân loại, đối tượng hộ nghèo không còn sức lao động sẽ chuyển sang đối tượng được hưởng bảo trợ xã hội. Các đối tượng mất đất sản xuất tùy theo mức độ sẽ được phân cấp cho địa phương để trên cơ sở đó đề xuất các nhóm chính sách xử lý phù hợp.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn hiện nay, việc bố trí đủ ngân sách cho các chương trình đề ra không đơn giản. Chính phủ sẽ lựa chọn những chính sách cần được ưu tiên hơn để huy động nguồn vốn, trong đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung cho các chính sách về an sinh xã hội, giảm nghèo. Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành trong việc rà soát các chính sách cũ, ban hành chính sách mới phải tính đến nguồn ngân sách hiện có, tránh tình trạng ban hành chính sách rồi mà không có nguồn lực thực hiện, làm giảm lòng tin của các đối tượng thụ hưởng. Về các chương trình bảo hiểm y tế, hỗ trợ nhà ở, giáo dục cho người nghèo đều đã được đáp ứng đủ vốn. Lỗi là do một số địa phương chậm triển khai thực hiện.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, đang thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan trong thực hiện chính sách DTTS. Hơn 100 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã. Hơn 14.000 thôn, bản chưa có trục đường giao thông được cứng hóa. Hơn 200 xã chưa có điện đến trung tâm. Nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi trên 60-70%. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ nghèo DTTS chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.