(HNM) - Đến nay, Hà Nội đã sắp xếp, tổ chức bộ máy tại tất cả các sở, ngành, cơ quan ngang sở; giảm từ 204 phòng, ban trực thuộc xuống còn 108; giảm từ 401 đơn vị sự nghiệp công lập xuống còn 280.
Đây là một phần những công việc cụ thể khi Hà Nội thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” và Nghị quyết 18-NQ/TƯ “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Xác định khi tinh thần đã thông, lộ trình đã rõ, việc sắp xếp, tinh giản thực hiện công khai, dân chủ sẽ tạo được sự thực chất nên công tác tuyên truyền luôn được Hà Nội coi trọng khi triển khai Nghị quyết 18-NQ/TƯ. Cùng với đó, Hà Nội còn vận dụng kinh nghiệm từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính cách đây gần 10 năm cũng như kinh nghiệm từ thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ.
Cũng từ đòi hỏi thực tiễn của công tác tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy, năm 2018, Hà Nội chọn chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” nhằm hướng đến thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết 18-NQ/TƯ.
Để đồng bộ hóa trong thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TƯ, Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện Đề án 04-ĐA/TU về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Đồng thời, đưa Nghị quyết 15-NQ/TU về Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... vào đời sống.
Để tăng tính chủ động, Hà Nội đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đề cao trách nhiệm giải trình theo Kế hoạch 70-KH/TU ngày 25-1-2018… Những vấn đề này móc xích với nhau, tạo nền tảng để Nghị quyết 18-NQ/TƯ thấm sâu vào cuộc sống.
Không bằng lòng với kết quả đi đầu cả nước về thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ, Hà Nội đã đặt mục tiêu lớn hơn là không chỉ tinh giản về số lượng cán bộ, cơ quan, tổ chức mà còn phải tăng về chất, theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TƯ.
Về bản chất, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TƯ là việc động chạm, liên quan đến con người. Do đó, tuyên truyền vẫn được coi là nhiệm vụ liên tục, hàng đầu bởi khi nhận thức đúng sẽ có hành động đúng. Vì cục diện chung, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao trách nhiệm, hiểu đúng, làm đúng để tạo sự đồng thuận. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần đoàn kết, thống nhất và luôn đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực này.
Đi đôi với việc phân cấp, phân quyền thì trách nhiệm giải trình phải được tăng cường; cơ chế kiểm soát quyền lực phải được thực thi bằng các quy định chặt chẽ. Từ đó, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện tinh giản biên chế cần được đánh giá sâu sát hơn.
Đặc biệt, từ ngày 1-7-2018, Hà Nội thực hiện đánh giá thi đua hằng tháng với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Việc này sẽ tiệm cận sát hơn về năng lực, trách nhiệm làm việc của mỗi cá nhân. Do đó, việc đánh giá cần nghiêm túc để việc tinh giản, sắp xếp được trúng và đúng. Trên tinh thần này, những vấn đề đã rõ thì quyết tâm làm; những gì chưa sát thực tiễn thì tìm hướng khắc phục.
Vì một hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhận định: “Phải làm sao để người dân thấy rõ hệ thống chính trị quan tâm, giải quyết những vấn đề mà bà con bức xúc và giải quyết có tiến bộ". Đó là mục đích cốt lõi của việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TƯ - mục đích vì con người!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.