(HNM) - Không cần có trí tưởng tượng phong phú người ta cũng có thể hình dung những nhọc nhằn của các thí sinh và gia đình họ tại kỳ thi nóng bỏng theo cả nghĩa đen năm nay.
Hơn 600.000 thí sinh, cùng người nhà "khăn gói quả mướp" về các trung tâm lớn để ứng thí. Cứ tính trung bình trong hai đợt thi đại học, một đợt thi cao đẳng, một thí sinh tiêu tiết kiệm cũng phải hết ba đến năm triệu đồng. Làm một phép tính nhẩm: chi phí cho thi cử một vụ hết khoảng 3.000 tỷ đồng. Kéo theo con số này là sự ùn ứ và tai nạn giao thông tại các đô thị lớn, công việc của người nhà thí sinh bị ngắt quãng lãng phí và thay vào đó là những ngày họ chờ con em thi và ngồi chịu oi nóng ngoài phòng thi…
Chưa hết, trong số gần một triệu thí sinh đại học mỗi năm, con số không vào được các trường đại học trong nước là rất lớn. Với những gia đình có thu nhập khá, số thí sinh trượt đại học này có thể được cha mẹ đầu tư cho ra nước ngoài theo học các trường đại học. Chi phí cho việc học tập này thật không nhỏ. Chẳng hạn, theo học ở Anh, Mỹ có mức 12.000 đến 20.000 đô la Mỹ một năm. Ít hơn như học tại Trung Quốc, học phí cũng trên dưới 5 vạn nhân dân tệ (khoảng 140 triệu VND). Thế là tiền của các gia đình trung lưu hay giàu có Việt Nam lại chảy ra ngoài biên giới. Song cái được của số người này là chất lượng học sinh khi học xong, lạy giời - đây là sự thật phổ biến, lại rất đáng ghi nhận. Và quan trọng hơn, số học sinh học ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp lại có tỷ lệ cao vào làm ở các công ty nước ngoài. Vậy là giáo dục ta lại có vẻ thiệt đơn, thiệt kép. Tuy thế, đáng nghĩ ngợi thay là ngành giáo dục chúng ta có nhiều người đau đáu nghĩ về vấn đề này hay không khi cứ mải mê tìm cách… cải cách giáo dục.
Lại nói về vấn đề cải cách giáo dục mà chúng tôi, những người thuộc thế hệ được giáo dục theo chương trình cũ, nghĩa là một nền giáo dục của những năm 60-70 của thế kỷ trước. Thật khiêm tốn để nói, chúng ta thấy "chương trình cũ" đó chưa hề lạc hậu chút nào trong nhiều lĩnh vực cần sử dụng tri thức, thậm chí còn thấy ngay cả chữ viết thôi, cũng cả cười khi trước đây con cháu viết chữ cải cách "như giá đỗ" và bị buộc trở lại viết theo lối truyền thống. Tiền của Nhà nước và nhân dân ta tiêu tốn không ít trong mỗi lần cải cách giáo dục, mà kết quả đến nay thì như chúng ta đã biết: Cứ mỗi kỳ họp Quốc hội, ngành giáo dục lại phải thanh minh và gần đây nhất, lại cho là đã có thành tựu. Không ai trong chúng ta phủ nhận những thành tích của ngành này, nhưng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học vừa rồi có tỷ lệ đỗ cao ngất, kể cả ở những vùng sâu, vùng xa, liệu có phải là kết quả thực của quan điểm chủ yếu "nói không với tiêu cực" của ngành?
Nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục và dư luận xã hội rộng rãi vẫn kiên trì nêu việc giảm tải cho học sinh, trong đó có việc giảm nhẹ đầu vào đại học nhưng chặt chẽ ở đầu ra để bảo đảm chất lượng khi tốt nghiệp - là cơ sở của ý kiến cho rằng nên có đại học ghi danh, thu tiền học như nhiều nước như vừa đề cập. Tiếc thay, phương án này đã bị bác trước đây. Giả sử chúng ta làm thế, vừa tận thu được cho ngành, vừa đỡ tiêu cực "chạy thầy chạy điểm", lại đỡ cho con em ta phải xa nhà và có thể còn đỡ mất chất xám có thể có.
Còn chuyện đào tạo cao hơn nữa, như chuyện 20.000 tiến sĩ cho ngành giáo dục ít năm nữa, thật cũng cần xem lại. Lẽ nào ngành giáo dục của chúng ta lại chỉ cần các nhà nghiên cứu chuyên biệt đến mức phải có học vị như vậy? Hãy xem trọng chất lượng của các thầy, cô bằng chính thực tế trên lớp của họ, nghĩa là cần xem trọng năng lực sư phạm của đội ngũ truyền bá, rồi sau đó mới khuyến khích năng lực nghiên cứu khoa học của họ nếu thấy cần. Đã từng có chuyện ngành khoa học công nghệ từng đầu tư rất nhiều tiền cho các phòng thí nghiệm trọng điểm ít năm qua mà kết quả thu được chỉ có ba tác phẩm có tính báo chí được công bố quốc tế mà theo đó có hàng trăm bằng tiến sĩ, thạc sĩ "ăn theo", phỏng ích gì?
Có lẽ đã đến lúc, ngành giáo dục nước nhà phải đổi mới một cách thiết thực, hiệu quả, để mọi người, mọi nhà không phải chịu cảnh quá tải cho việc học hành, thi cử như bây giờ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.