Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải tỏa áp lực tâm lý cho trẻ vị thành niên

Bích Ngọc - Thu Hoài| 06/05/2022 08:07

(HNM) - Trong xã hội hiện đại, với nhịp sống nhanh, áp lực nhiều, khủng hoảng tâm lý có thể đến với bất cứ ai, trong đó trẻ vị thành niên là đối tượng dễ bị ảnh hưởng tiêu cực. Các chuyên gia tâm lý đều cho rằng đã đến lúc cần chú trọng hơn vấn đề tư vấn, giải tỏa áp lực tâm lý cho các em.

Theo chuyên gia tâm lý, bác sĩ Nguyễn Hồng Nhã (Phòng khám Tâm lý - Bệnh viện thành phố Thủ Đức), các em trong độ tuổi vị thành niên buồn chuyện gia đình, áp lực học tập, không được đáp ứng một yêu cầu nào đó... đều có thể là lý do cho những quyết định tiêu cực. "Trong hai thập kỷ trở lại đây, qua các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, trầm cảm là vấn đề sức khỏe tâm thần ở tuổi thanh thiếu niên trên toàn thế giới. Hơn một nửa trường hợp đau lòng ở độ tuổi vị thành niên được báo cáo mắc chứng rối loạn trầm cảm tại thời điểm xảy ra sự việc. Thông thường, đó là kết quả của sự tích tụ lâu dài những bất ổn trong đời sống tinh thần, nhưng có thể những người xung quanh, như cha mẹ, bạn bè... chưa kịp nhận ra", bác sĩ Nguyễn Hồng Nhã thông tin.

Về vấn đề này, Thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến, Khoa Tâm thể - Bệnh viện thành phố Thủ Đức chia sẻ: "Lứa tuổi học sinh là giai đoạn rất dễ gặp phải những rối loạn tâm lý - tâm thần. Ở lứa tuổi này, các em bắt đầu xuất hiện những khủng hoảng. Dù chất chứa nhiều tâm tư, mong muốn được giãi bày, nhưng các em lại thường chưa biết cách thổ lộ phù hợp. Ngược lại, cha mẹ, thầy cô và bạn bè đôi lúc chưa nắm bắt kịp thời để có sự hỗ trợ phù hợp".

Chị Trần Mỹ Phượng ở đường D4, phường Tân Hưng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi có con trai đang học lớp 10, nhưng đúng là gia đình chưa chú ý phân biệt bất ổn tâm lý tuổi mới lớn với bất ổn do áp lực tâm lý từ học tập, sinh hoạt; đôi khi còn ỷ lại nhà trường. Chúng tôi sẽ phải dành nhiều thời gian để tương tác và chia sẻ với cháu, từ đó giúp cháu mạnh mẽ và tự tin hơn”.

Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 646/2.416 cơ sở trường học thành lập phòng tư vấn tâm lý; hơn 10.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên được phân công phụ trách tư vấn tâm lý trong trường học, nhưng chưa đến 50% đội ngũ được bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn.

Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh) Cao Thị Thiên Phúc cho biết, từ năm 2003, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương khuyến khích phát triển hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học. Năm 2008, thành phố có biên chế giáo viên tâm lý. Từ năm học 2012-2013, thành phố đã ban hành quy chế tạm thời cho các hoạt động tư vấn tâm lý học đường.

Là giáo viên tư vấn tâm lý tại Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh (quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh), cô Nguyễn Thị Hường chia sẻ: “Theo quy định hiện hành (từ năm 2017) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên tư vấn tâm lý vẫn là kiêm nhiệm, nên hoạt động hạn chế. Giáo viên tâm lý cũng không thể ngăn chặn các em học sinh thực hiện quyết định tiêu cực mà là chia sẻ, trang bị kiến thức đối đầu áp lực cho các em. Chúng tôi rất cần gia đình cùng chung tay thực hiện việc này”. Còn cô giáo Phạm Thị Kim Dung (Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ: "Nếu theo mô hình vị trí việc làm hiện tại, một mình tôi khó có thể tư vấn tâm lý hết cho hơn 2.000 học sinh của nhà trường".

Tiến sĩ Huỳnh Văn Chẩn, Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) nhận xét: “Việc tư vấn tâm lý cho 200-300 em một lúc tại sân trường là không hiệu quả. Cần sớm thực hiện tư vấn tâm lý quy mô nhỏ, tư vấn riêng biệt…; sớm tăng cường, bố trí giáo viên tư vấn tâm lý chuyên trách trong trường học”.

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng cho biết, trước mắt, ngành Y tế và ngành Giáo dục sẽ phối hợp với các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên tư vấn tâm lý tại các trường phổ thông, để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động quan trọng này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải tỏa áp lực tâm lý cho trẻ vị thành niên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.