(HNM) - Thời gian qua, khoa học và công nghệ đã từng bước khẳng định vai trò, động lực dẫn dắt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Khoa học và công nghệ đã thực sự gắn với sản xuất, kinh doanh và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của tất cả các ngành, lĩnh vực.
Nổi bật là, khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; một số lĩnh vực khoa học tự nhiên tiếp tục giữ thứ hạng cao trên thế giới và trong khu vực ASEAN; khoa học ứng dụng có bước tiến rõ nét, tiêu biểu mới đây là những sản phẩm, công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng vượt bậc, năm 2021 đứng thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam cũng là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được WIPO đánh giá là đang bắt kịp đà tăng Chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới.
Tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của khoa học và công nghệ, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”. Cụ thể hóa nhiệm vụ này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11-5-2022 ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, với mục tiêu lớn nhất là đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Hiện thực hóa các mục tiêu trên, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Quyết định số 569/QĐ-TTg; trong đó có giải pháp để tiếp tục nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học và hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp.
Việc xây dựng, phát triển thị trường khoa học và công nghệ phải hướng tới phục vụ sản xuất, kinh doanh, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Tập trung xã hội hóa và đa dạng hóa các nguồn vốn cho hoạt động này, nhất là tăng cường nguồn vốn từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Cùng với đó là có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút nhân lực chất lượng cao và khơi thông các nguồn lực đầu tư. Tinh thần là phát triển khoa học và công nghệ không chỉ đơn thuần hướng tới mục tiêu tăng trưởng, mà còn phải gắn với phát triển văn hóa, phát triển con người và an sinh xã hội; phục vụ mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Các bộ, ngành chức năng, địa phương cũng cần chủ động, tích cực hơn trong hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; tận dụng tối đa cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu và đặc biệt là trong phòng, chống dịch bệnh hiện nay. Bên cạnh đó cần nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi sở hữu trí tuệ, phát triển các dịch vụ, thúc đẩy cung, tăng cầu các sản phẩm khoa học và công nghệ.
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là giải pháp trọng yếu mang tính quyết định đối với tăng trưởng dài hạn và nâng cao chất lượng tăng trưởng cho đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.