Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

Đỗ Minh| 28/08/2019 07:19

(HNM) - Cùng với việc phát triển các chuỗi sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao..., ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chú trọng quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản. Đây là một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững.

Ít có đơn vị nào như Hợp tác xã Rau an toàn Thụy Hương (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ), có 100% sản phẩm rau xanh sản xuất ra đều được các trường học, doanh nghiệp, siêu thị ký hợp đồng thu mua. Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Hương Nguyễn Thị Hường chia sẻ: Hợp tác xã có 20ha trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 5.000m2 trồng trong nhà lưới, nhà kính và ứng dụng công nghệ cao… Trước đây, chỉ 20% lượng rau của hợp tác xã sản xuất ra được tiêu thụ qua đơn đặt hàng của một số trường học. Nhưng, kể từ khi được ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu…, lượng rau tiêu thụ qua hợp đồng của hợp tác xã tăng vọt, đến nay không còn phải lo đầu ra.

Tương tự, xã viên Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) không còn phải lo đầu ra cho sản phẩm gạo thơm Bối Khê. Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên cho hay: Chuỗi lúa gạo Tam Hưng đang cung ứng cho thị trường hơn 200 tấn gạo chất lượng cao mỗi năm. Toàn bộ sản phẩm đều được doanh nghiệp đặt hàng thu mua. Để có được kết quả này, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã giúp hợp tác xã quy trình sản xuất, quảng bá, kết nối với doanh nghiệp, qua đó sản phẩm đến được với người tiêu dùng qua kênh bán hàng uy tín.

Thực tế, thông qua quảng bá, xúc tiến, nông sản đã đến gần hơn với người tiêu dùng là một kết quả tất yếu, tuy nhiên, việc vận dụng quảng bá, kết nối ra sao lại là lộ trình cần được tính toán, sắp xếp hài hòa. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: Sản phẩm được chọn để quảng bá, xúc tiến… phải là những sản phẩm chất lượng, có thương hiệu. Mặt khác, nông dân sản xuất phải theo nhu cầu thị trường, có kế hoạch sản xuất, quảng bá và xúc tiến thương mại cụ thể... Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tích cực phối hợp với các địa phương, sở, ngành quảng bá, kết nối nông sản…, song đến nay mới có khoảng 15% lượng nông sản an toàn được tiêu thụ thông qua liên kết.

Ở góc độ doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, Giám đốc Công ty Big Green Nguyễn Tiến Hưng khẳng định: Sản xuất nông sản an toàn, chất lượng, có chứng nhận, thương hiệu sẽ không lo đầu ra. Tiếc rằng, việc này thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đây cũng là lý do vì sao dù sản lượng sản xuất rau xanh của Hà Nội đạt gần 600.000 tấn/năm, đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, 40% còn lại cung cấp từ các địa phương khác, nhưng sản phẩm rau của thành phố vẫn khó tiêu thụ.

Để thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản, ngoài việc duy trì 80 chuỗi liên kết nông sản an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển các chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản, đồng thời xúc tiến tiêu thụ nông sản thông qua chợ nông sản điện tử, sàn giao dịch nông sản an toàn… Ngoài duy trì liên kết, hợp tác với 34 tỉnh, thành phố có nguồn cung nông sản lớn, bảo đảm an toàn, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội chợ nông sản thực phẩm an toàn tại các địa phương trong toàn quốc. Sở cũng sẽ xem xét tham mưu thành phố tăng nguồn kinh phí, có nhiều chính sách hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp trong quảng bá, kết nối sản phẩm nông sản...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.