Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp phát triển kinh tế Thủ đô

Việt Tuấn| 03/01/2017 06:45

(HNM) - Nghị quyết số 10/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của HĐND TP Hà Nội đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 8,5 đến 9%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 86 đến 88 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn từ 11 đến 12%


Mũi nhọn là cải thiện môi trường đầu tư

Năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hà Nội tăng 8,2% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Đáng lưu ý, vốn đăng ký của các dự án đầu tư ngoài ngân sách đã thu hút được 462,413 nghìn tỷ đồng; trong đó, đầu tư nước ngoài gần 3,1 tỷ USD (tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước). Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, vốn đăng ký của các dự án đầu tư nước ngoài năm 2016 sẽ là tiền đề quan trọng để năm 2017 và những năm tiếp theo, thành phố tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Thực tế cho thấy, kết quả tăng trưởng của Hà Nội năm 2016 chính là hiệu quả của các dự án đầu tư giai đoạn 2014-2015.

Do vậy, thành phố sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Công tác cải cách hành chính được chú trọng, UBND thành phố sẽ rà soát, chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp với các luật và nghị định mới ban hành; triển khai đồng bộ, có hiệu quả cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong các cơ quan quản lý nhà nước; xây dựng chính phủ điện tử, hình thành cơ chế tương tác giữa chính quyền các cấp với doanh nghiệp qua Cổng thông tin điện tử. Đồng thời, các cơ quan phải tạo chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 148 nghìn hộ kinh doanh đang hoạt động, trong số đó có nhiều hộ có thể nâng cấp thành doanh nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách. Vì vậy, tới đây UBND thành phố sẽ giao cho Sở KH-ĐT tăng cường tuyên truyền về những lợi ích và cơ hội khi chuyển đổi thành doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, vay vốn... để cho các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã có chủ trương ban hành chính sách hỗ trợ đối với những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, những doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh như đào tạo doanh nhân, khởi sự thành lập doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp...

Chỉ đạo lưu thông hàng hóa tốt

Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, UBND thành phố chỉ đạo Sở Công Thương Hà Nội thực hiện hiệu quả việc trao đổi, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương góp phần ổn định thị trường. Trong đó chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng mẫu mã hàng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu. Xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng, quận, huyện, thị xã huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Trong đó chú trọng quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội tại các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm.

Về công tác quản lý đầu tư xây dựng, UBND thành phố cam kết tuân thủ quy định về thẩm định nguồn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án do cấp trên hỗ trợ, các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ trước khi phê duyệt dự án. Không được tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu chưa được bố trí vốn; lập và điều chỉnh kế hoạch đấu thầu theo tiến độ, kế hoạch vốn được phân bổ của từng dự án theo đúng quy định. Đặc biệt, UBND thành phố chỉ khởi công dự án khi có kế hoạch vốn được giao, nhằm tránh đầu tư dàn trải, kéo dài; đề xuất HĐND cấp huyện, cấp xã - nơi có công trình, dự án tăng cường giám sát việc sử dụng vốn ngân sách nói chung và vốn dành cho thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản nhằm bảo đảm đúng quy định.

Đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, thành phố đề ra giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Sở NN&PTNT, diện tích lúa chất lượng cao sẽ duy trì 60 nghìn héc ta; diện tích rau các loại 32 nghìn héc ta, trong đó 43% trồng rau an toàn. Đáng chú ý, thành phố khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thành lập doanh nghiệp nông thôn và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ kinh tế hộ với doanh nghiệp, thị trường.

Với những giải pháp trong chỉ đạo, điều hành đã đề ra, tin tưởng rằng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, kinh tế Thủ đô Hà Nội sẽ tăng trưởng đạt và vượt chỉ tiêu HĐND thành phố thông qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp phát triển kinh tế Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.