(HNM) - Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng khách hàng mua sắm trực tuyến - một trong những giải pháp hạn chế tiếp xúc đông người, phòng, chống dịch hiệu quả, tiếp tục tăng nhanh. Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp phân phối chuẩn bị đủ nguồn hàng, phát triển ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến… để vừa đáp ứng nhu cầu, vừa bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng trước dịch bệnh.
Đơn hàng trực tuyến tăng mạnh
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro), kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị BRG Retail (thuộc Tập đoàn BRG) Nguyễn Thái Dũng cho biết, những ngày qua, lượng hàng mua bán trực tuyến tăng rất mạnh, từ 5 đến 7 lần. BRG Retail đã chủ động xây dựng phương án tăng 300% lượng dự trữ hàng hóa tại điểm bán và tăng gấp 10 lần tại kho hàng trung tâm.
Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung cũng cho hay, đơn hàng trực tuyến tăng 3-5 lần bình thường. Để đáp ứng, đơn vị đã điều chuyển, tăng cường nhân sự tiếp nhận đơn hàng và giao hàng.
Tương tự, hệ thống AEON Việt Nam ghi nhận đơn hàng trực tuyến tăng gấp 3-5 lần so với trước. MM Mega Market thậm chí có đơn hàng trực tuyến tăng 15 lần. Các chuỗi VinMart, VinMart+ ghi nhận số đơn hàng trực tuyến tăng hơn 50%... Trong khi đó, nhiều tiểu thương tại các chợ đang tạm đóng cửa cũng sớm bắt kịp xu hướng, đăng ký gian hàng tại các sàn thương mại điện tử hoặc bán hàng qua điện thoại.
Chị Nguyễn Hải Trà (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) chia sẻ: "Trước đây, tôi chủ yếu mua thực phẩm tại chợ gần nhà, khi dịch bùng phát mạnh, tôi chuyển sang đặt hàng qua điện thoại hoặc qua app (ứng dụng) của hệ thống Co.opmart. Sáng đặt hàng, chiều nhận hàng khá tiện lợi, lại không phải ra đường". Tương tự, chị Chu Thị Lan Hương (ngõ 25, đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa) cũng hài lòng với hình thức mua bán trực tuyến, vì vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Còn theo chị Nguyễn Quỳnh Trang (chung cư 29T1 Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy), tại khu chung cư nơi chị ở còn hình thành “chợ nội bộ”, mua bán qua các group cư dân trên mạng xã hội Zalo, Facebook, với nhiều loại thực phẩm. "Người mua đăng ký số căn hộ, nhu cầu và thanh toán qua tài khoản, hàng có thể nhận ở quầy lễ tân hoặc tại nhà, rất thuận tiện", chị Trang nói.
Thực tế, mua bán trực tuyến đã hình thành, phát triển nhiều năm qua, song phát triển mạnh từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo Sở Công Thương Hà Nội, quý I-2021, thành phố chỉ có 12.359 website, ứng dụng bán hàng trực tuyến thì con số này tính đến hết quý II-2021 là 14.187.
Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ
Để giải quyết các đơn hàng trực tuyến, các doanh nghiệp phân phối triển khai nhiều giải pháp đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Song, số lượng đơn hàng tăng mạnh cũng tạo ra áp lực không nhỏ lên việc vận hành.
Theo Giám đốc siêu thị AEON Long Biên Đàm Mạnh Tuấn, thực hiện quy định của thành phố Hà Nội trong thời gian giãn cách, AEON đã gửi danh sách xe máy của đội ngũ nhân viên giao hàng tới Sở Công Thương, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội xem xét cấp phép lưu thông; đồng thời làm việc với đối tác giao hàng để tăng cường lực lượng. Đến nay, hoạt động giao hàng tại Hà Nội đã dần ổn định sau khi các nhân viên giao hàng được cấp mã xác nhận để qua các chốt kiểm soát.
Về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin thêm, bên cạnh việc tổng hợp, lập danh sách phương tiện vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp phân phối, siêu thị…, Sở Công Thương cũng công khai danh sách tổng hợp điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ có 8.321 điểm bán hàng hóa thiết yếu đặt tại các quận, huyện, thị xã, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.
“UBND thành phố cũng đã giao Sở Giao thông - Vận tải, Công an thành phố hỗ trợ tối đa cho các hệ thống phân phối vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong và ngoài thành phố; trong trường hợp xe vận chuyển của các doanh nghiệp chưa đăng ký “luồng xanh” thì yêu cầu các lái xe xuất trình hợp đồng hoặc hóa đơn giao nhận hàng hóa, các giấy tờ chứng minh việc giao nhận, vận chuyển hàng hóa cho hệ thống phân phối, để được phép lưu thông vào thành phố và trên địa bàn thành phố; hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký “luồng xanh” theo quy định”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga, trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tập trung đông người, tiếp xúc trực tiếp, thay vào đó là mua sắm qua mạng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, hoạt động mua sắm trực tuyến, dịch vụ giao hàng nhanh sẽ tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng người mua lẫn doanh thu. Mặt khác, đây còn là kênh bán hàng hiện đại, nhiều tiện ích. Do vậy, các doanh nghiệp cần khai thác sâu các kênh trực tuyến, thiết kế dịch vụ giao hàng và thúc đẩy tích hợp đa kênh bán hàng theo xu hướng mua sắm mới của người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.