(HNM) - Thời gian gần đây gia tăng hiện tượng các đối tượng lừa đảo giả mạo số, dải số của cơ quan chức năng gọi điện đến điện thoại cố định, di động của người dân để lừa đảo, hù dọa nhằm chiếm đoạt tài sản… Hiện cơ quan quản lý nhà nước và một số nhà mạng đã triển khai giải pháp "kép", vừa áp dụng các biện pháp kỹ thuật vừa đẩy mạnh tuyên truyền để ngăn chặn hiện tượng này, bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Ông Đặng Anh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hạ tầng mạng VNPT (thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT) cho biết, phần lớn các cuộc gọi giả mạo được thực hiện từ các cuộc gọi quốc tế chiều về. Lợi dụng kẽ hở bảo mật, các đối tượng đã giả mạo các số điện thoại thông qua các mạng trung chuyển (không có khả năng nhận biết đây là các cuộc gọi giả mạo) để kết nối đến thuê bao ở Việt Nam nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.
Còn theo ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển dịch vụ, Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT), có 3 hình thức lừa đảo thường được đối tượng xấu thực hiện. Đó là lừa đảo phát sinh cước quốc tế bằng sử dụng cuộc gọi từ các đầu số nước ngoài như: Moldova (+373), Tunisia (+216), Guinea Xích đạo (+240), Burkina Faso (+226), nếu người dùng gọi lại, sẽ bị phát sinh cước cuộc gọi ngoài ý muốn với số tiền lớn. Thứ hai, thực hiện cuộc gọi mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tiền với “kịch bản” quen thuộc là gọi điện, nhắn tin mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát "dọa" nạn nhân liên quan đến vụ án ma túy, yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản, mật khẩu để phục vụ công tác điều tra. Thứ ba là cuộc gọi, tin nhắn thông báo có quà từ nước ngoài nên yêu cầu người nhận chuyển khoản phí mới nhận được quà...
“Đã có một số nạn nhân bị mất tiền và có thuê bao của VNPT đã bị lừa đảo hàng trăm triệu đồng” - ông Phạm Ngọc Tú thông tin.
Để ngăn chặn các cuộc gọi giả mạo, theo đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ tháng 2-2020, Cục Viễn thông đã yêu cầu nhà mạng triển khai các biện pháp truyền thông và biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tình trạng này.
Theo ông Đặng Anh Sơn, sau khi có chỉ đạo của Cục Viễn thông, VNPT đã triển khai một loạt giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn cuộc gọi giả mạo. Trong đó, với cuộc gọi quốc tế chiều về (chủ yếu), VNPT thực hiện chặn số theo chủ gọi có mã quốc gia; chặn số chủ gọi giả mạo số cố định, số dịch vụ tại Việt Nam, hoặc giả mạo dải số di động... “Riêng trong tháng 7-2020, VNPT đã chặn 183.316 cuộc gọi giả mạo trong số các cuộc gọi quốc tế chiều về” - ông Đặng Anh Sơn cho biết.
Còn theo số liệu của Cục Viễn thông, từ các cuộc gọi quốc tế chiều về chỉ trong khoảng 2 tháng, các nhà mạng như Viettel, VinaPhone, MobiFone đã ngăn chặn trên 1,3 triệu cuộc gọi có cấu trúc số giả mạo, trong đó số lượng cuộc gọi giả mạo số có mã quốc gia không có thực chiếm 70,24%... Cục Viễn thông thực hiện giám sát và yêu cầu các nhà mạng tiếp tục triển khai biện pháp kỹ thuật, giảm tối đa tình trạng giả mạo số điện thoại để lừa đảo; đồng thời yêu cầu các nhà mạng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác.
Ông Phạm Ngọc Tú cũng thông tin, để khách hàng nâng cao cảnh giác, VinaPhone đã đưa ra một số nhận biết cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo, như: Các cuộc gọi, tin nhắn quốc tế chiều về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc 00 ở đầu; hai số tiếp theo không phải là 84 (mã nước Việt Nam); các cuộc gọi này xuất hiện dưới dạng nháy máy… Với những cuộc gọi có dấu hiệu như trên thì người dân không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Đối với các cuộc gọi giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát..., tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào và phải trình báo ngay cho cơ quan công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 069.2348560 của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để được hướng dẫn kịp thời.
Người dân không gọi lại những số máy xuất hiện ở những cuộc gọi nhỡ, gọi đến, tin nhắn có dấu hiệu như trên và chỉ nên gọi đi quốc tế khi biết chắc đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài. “VNPT, VinaPhone sẽ liên tục cập nhật các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các hiện tượng trên, bảo vệ quyền lợi và giữ an toàn cho khách hàng” - ông Phạm Ngọc Tú cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.