(HNM) - Tại hội nghị bàn giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm ở các tỉnh, thành phố phía Bắc, do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức ngày 5-4, có nhiều thông tin rất đáng chú ý: Theo Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã cơ bản được ngăn chặn so với thời điểm trước tháng 10-2015.
Cụ thể, trong năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016, Cục Chăn nuôi đã lấy 1.239 mẫu thức ăn, phát hiện 17 mẫu có chất cấm; 6,5% mẫu nước tiểu lợn có chứa chất cấm; 2,7% mẫu thịt, nội tạng động vật chứa chất cấm. Tuy nhiên, một thông tin khác cũng rất đáng chú ý, đã được đề cập nhiều nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự là trong năm 2015, các công ty dược đã nhập 9.140kg chất cấm, trong đó 6.248kg bán ra ngoài, không đúng đối tượng, mục đích.
Thực chất việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã cơ bản được ngăn chặn hay chưa? Điều này cần được đánh giá kỹ lưỡng, dựa trên những kết quả điều tra, tổng kết cẩn trọng, đặc biệt là hiệu quả trên thực tế: Thị trường không còn tràn lan thực phẩm vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm và người dân được ăn bữa ăn sạch, được ăn bữa ăn no mà… không phải lo (về sức khỏe) chứ không phải cơ quan chức năng nói "tốt" mà người dân vẫn phải ăn thực phẩm "bẩn".
Những con số "biết nói" đề cập ở trên phải chờ "hậu kiểm". Còn con số "biết nói" khác là theo Hội Ung thư Việt Nam, nếu như số ca mắc ung thư mới năm 2000 chỉ ở mức 69.000 người thì đến năm 2010, lên tới 126.000 người, năm 2015 là 150.000 người. Ước tính, năm 2020 số ca mắc ung thư mới có thể sẽ tăng nhanh - lên khoảng 200.000 ca. Nguyên nhân hàng đầu dẫn tới "căn bệnh tử thần" này là thực phẩm bẩn (chiếm khoảng 35%).
Thực phẩm bẩn là hậu quả tất yếu và chủ yếu của việc chăn nuôi, trồng trọt có sử dụng chất cấm (bên cạnh yếu tố cây trồng, vật nuôi "nhiễm độc" do ô nhiễm môi trường). Không phải bàn cãi thêm nữa, phải xem sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nói riêng (sản xuất nông nghiệp nói chung) là tội ác. Trong quá trình đó, vô tình hoặc có chủ đích, người chăn nuôi trở thành tội phạm với hành vi phạm tội để lại những hệ lụy nghiêm trọng đối với cộng đồng: Khiến người tiêu dùng "chuốc" vào người bệnh tật, trong đó có những căn bệnh hiểm nghèo mà ung thư đang là nỗi nhức nhối. Đau lòng hơn, chính hành vi này, một cách từ từ, làm suy giảm chất lượng giống nòi. Trong một thời gian dài, lý do khiến tội ác này mặc nhiên hoành hành được cơ quan chức năng lý giải là chế tài xử phạt thiếu và yếu, lực lượng cán bộ mỏng, sự thiếu ý thức ở người chăn nuôi, thậm chí cả "vấn đề" ở nhận thức người tiêu dùng…
Trừng phạt và ngăn chặn tội ác này cần những giải pháp đồng bộ, chế tài mạnh mẽ. Theo Bộ luật Hình sự (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016), tội vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (bao gồm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi) sẽ bị xử lý ở nhiều mức khác nhau, tùy theo mức độ: Phạt tiền có thể lên tới 500 triệu đồng và phạt tù có thể lên tới 20 năm. Chế tài (nghiêm khắc) đã có, quan trọng hơn là phải bảo đảm chế tài được thực thi, bảo đảm mọi hành vi vi phạm đều bị giơ cao… đánh mạnh chứ không phải ngược lại. Tức là cần có cơ chế giám sát người thừa hành (công vụ ở lĩnh vực này), không để cho tồn tại những cái "bắt tay", sự phớt lờ (vi phạm), sự tắc trách… Mặt khác, chính cộng đồng, các cơ quan truyền thông đại chúng phải góp phần giám sát, tích cực "phanh phui" vi phạm. Song song với những giải pháp đó, cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa để người chăn nuôi hiểu rõ tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là hậu quả pháp lý nếu vi phạm.
Thực hiện các giải pháp này một cách đồng bộ, áp dụng chế tài xử lý vi phạm ở mức nghiêm khắc nhất theo quy định của pháp luật, chắc chắn tội ác này sẽ bị ngăn chặn và từng bước bị đẩy lùi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.