Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen

Hương Thủy| 25/09/2018 16:47

(HNMO) - Thời gian qua, nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi diễn ra ở nhiều nơi. Tín dụng đen được xem là nguồn gốc phát sinh nhiều loại tội phạm khác, gây mất an ninh, trật tự...


Trong nền kinh tế, có hai loại tín dụng là chính thức và phi chính thức. Tín dụng phi chính thức rất rộng (trong đó tín dụng đen chỉ là một phần nhỏ), có nhiều dạng như: Vay bạn bè, người thân, vay các công ty, vay cầm đồ, vay ở tổ chức tài chính vi mô…

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)


Đánh giá về thực trạng tín dụng đen, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, năm 1993, ở Việt Nam, tín dụng phi chính thức chiếm khoảng 60-70% tổng tín dụng nền kinh tế. Đến năm 2006, tín dụng phi chính thức còn 16-20%.

Theo số liệu hiện nay, ước tính quy mô của tín dụng phi chính thức là khoảng 15-20% tổng tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, quy mô tín dụng đen chiếm khoảng 30-35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương khoảng 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế. “Quy mô không quá lớn nhưng hệ lụy là lớn”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Đặc điểm của tín dụng đen là chủ yếu xảy ra ở nông thôn; không theo chuẩn mực nào, thường là vay nóng; thủ tục đơn giản; có thể gia hạn nếu cần nhưng rất rủi ro. Có các loại vay tín dụng đen như: Vay tiền gộp, nghĩa là ngắn hạn, yêu cầu trả gốc và lãi hằng ngày; vay nóng, trả lãi theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định... Lãi suất tín dụng đen rất cao, gấp nhiều lần so với lãi suất vay mượn thông thường từ ngân hàng hoặc công ty tài chính.

Lãi suất tín dụng tiêu dùng cao nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tín dụng đen. Tín dụng tiêu dùng khác tín dụng đen ở chỗ: Tín dụng tiêu dùng bắt buộc phải có hợp đồng vay mượn rõ ràng, quy định đầy đủ, theo luật; thông tin vay nợ minh bạch, thỏa thuận giữa hai bên; đòi nợ một cách đường hoàng hơn.

Vì sao tín dụng đen tồn tại và diễn biến phức tạp? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, có 3 nguyên nhân chính. Mặc dù Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 có quy định cụ thể về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, trong đó có quy định phạt tiền đến 100 triệu đồng; đồng thời có thể bị xử tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc bị cấm hành nghề, cấm đảm nhiệm chức vụ 1-5 năm tùy theo mức độ và tính chất vi phạm, nhưng đối tượng cho vay rất tinh vi.

Bên cạnh đó, đối tượng đi vay thường giấu giếm không nói ra cho đến khi xảy ra sự việc thì mới thông tin. Chưa kể, các luật quy định về vấn đề này có nhưng chưa đầy đủ, chưa cụ thể nên trong quá trình xử lý, điều tra gặp khó.

Một lý do khác, hệ thống ngân hàng hiện nay đã có đầy đủ các loại hình tổ chức tín dụng để đáp ứng nhu cầu vay vốn của tổ chức, cá nhân trong đời sống xã hội. Mỗi loại hình có một sân chơi riêng, phạm vi hoạt động, địa bàn hoạt động khác nhau, đáp ứng mọi nhu cầu. Tuy nhiên, những người vay tín dụng đen thường là những người có công việc, thu nhập không ổn định, thậm chí liên quan đến hành vi không lành mạnh với xã hội…, từ đó dẫn đến việc không nhận thức được về tín dụng đen.

Theo TS Cấn Văn Lực, còn một nguyên nhân nữa là tại Việt Nam, kinh tế phi chính thức vẫn còn có quy mô lớn, tạo mảnh đất cho tín dụng đen phát triển.

Để đẩy lùi tín dụng đen, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, giải pháp quan trọng đầu tiên là phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân, doanh nghiệp; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin như tài chính số, ngân hàng số.

Việc tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao hiểu biết của người dân về các dịch vụ tài chính cũng cần được thực hiện, giúp người có nhu cầu tìm đến tín dụng phi chính thức, thay vì tín dụng đen, đồng thời nâng cao ý thức trả nợ của họ.

Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, phát triển hơn nữa các kênh thị trường vốn, đặc biệt là tài chính vi mô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.