(HNM) - Trong những năm gần đây, nước ta đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng suất lao động, qua đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Theo báo cáo “Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp”, vừa được Tổng cục Thống kê công bố: Trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của toàn nền kinh tế đạt 5,29%/năm. Tính về giá trị, năm 2020, năng suất lao động theo giá hiện hành đạt 150,1 triệu đồng/lao động, gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động).
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là mức năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chỉ cao hơn Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (gấp 1,6 lần) và Lào (gấp 1,2 lần). Đáng chú ý, trong năm 2022, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là chỉ tiêu duy nhất không đạt mục tiêu đề ra.
Thực tế cho thấy, trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới, lực lượng lao động nước ta đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Điều này thể hiện rõ ở nhiều khía cạnh. Đó là việc có tới khoảng 74% lực lượng lao động qua đào tạo nhưng chưa có văn bằng, chứng chỉ; thiếu hụt kỹ năng cơ bản, kỹ năng cốt lõi và kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật phổ biến, nhất là trong các lĩnh vực, ngành nghề có sự thâm dụng về lao động, năng suất lao động; các chỉ số liên quan đến kỹ năng lao động còn thấp…
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trình độ và kỹ năng người lao động tác động tích cực đến năng suất lao động tại doanh nghiệp. Năng suất lao động đóng góp trong tăng trưởng Tổng sản phẩm xã hội (GDP) khoảng 65-75%. Vì vậy, nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn đóng góp trực tiếp cho năng suất lao động và tăng trưởng GDP.
Với tầm quan trọng như vậy, việc nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề cho lao động là giải pháp căn bản trong nâng cao năng suất lao động trong bối cảnh hiện nay. Thực hiện việc này cần có sự đồng hành, gắn kết chặt chẽ của các bên liên quan, gồm Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, xã hội và bản thân người lao động.
Theo đó, ở tầm vĩ mô, cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để có lực lượng lao động lành nghề trong kỷ nguyên số. Nhiệm vụ quan trọng là các cơ sở giáo dục - đào tạo cần trang bị các giá trị kỹ năng cần thiết, nhất là kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động… Đặc biệt, cần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học tập suốt đời trong quá trình làm việc để không ngừng nâng cao tay nghề, kỹ năng, cập nhật xu hướng mới trong chuyên môn.
Ở góc độ các cơ sở giáo dục - đào tạo, cần chú ý nâng cao chất lượng giảng dạy, tránh tình trạng đào tạo chạy theo số lượng mà ít quan tâm đến chất lượng; đồng thời, kế hoạch đào tạo phải gắn với yêu cầu sử dụng người lao động của doanh nghiệp.
Vai trò trong nâng cao năng suất lao động của các doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp cần từng bước hướng tới việc ưu tiên sử dụng lao động qua đào tạo nghề, có chứng chỉ, bằng cấp; phối hợp, tham gia giáo dục nghề nghiệp với các cơ sở đào tạo… Lưu ý, cần quan tâm đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao trình độ công nghệ cho người lao động.
Trên hết, người lao động cần có trách nhiệm với chính mình, thường xuyên học tập, bồi dưỡng tay nghề, qua đó bảo đảm năng suất lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân cũng như tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.