(HNM) - Hoạt động đầu tư nước ngoài (ĐTNN) ở Việt Nam đang chứng kiến một hiện tượng rất hiếm khi xảy ra và có tính chất trái chiều. Đó là số vốn ĐTNN giải ngân cao hơn số vốn mới thu hút. Điều này cần được phân tích thấu đáo để có những đánh giá phù hợp, nhằm hỗ trợ hoạt động ĐTNN một cách hợp lý.
Kết quả giải ngân tăng
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm, kết quả giải ngân vốn ĐTNN đạt 4,95 tỷ USD (tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái), nhưng lượng vốn đăng ký mới chỉ 4,29 tỷ USD. Tính chung, mức giải ngân vốn ĐTNN vẫn liên tục duy trì mức tăng 5-7% trong mỗi tháng từ đầu năm đến nay là điểm sáng về kinh tế. Trong khi đó, kết quả thu hút vốn mới qua các tháng chỉ đạt khoảng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia nhận định, sở dĩ vốn đăng ký mới thấp hơn vốn giải ngân là do nền kinh tế đang thiếu những dự án quy mô lớn. Trên thực tế, trong những tháng qua chỉ xuất hiện một vài dự án có quy mô từ vài chục triệu USD trở lên, còn lại hầu hết đều là dự án nhỏ, vốn dưới 10 triệu USD nên kết quả thu hút vốn ĐTNN mới đăng ký rất hạn chế. Trong khi đó, so với cùng kỳ các năm trước có khá nhiều dự án lớn với quy mô vốn từ hàng chục triệu USD đến vài trăm triệu USD. Nhìn từ góc độ khác, việc suy giảm số vốn ĐTNN đăng ký mới cũng thể hiện tâm lý chọn lựa "kỹ tính" hơn trong quyết định địa điểm đầu tư của giới đầu tư quốc tế. Điều này diễn ra trong bối cảnh nhiều đối tác chủ yếu như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… tuy kinh tế đã hồi phục từng bước nhưng vẫn chậm, bên cạnh việc họ đang kết hợp thực hiện quá trình điều chỉnh, tái cơ cấu địa bàn đầu tư trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, trái ngược với sự suy giảm về vốn đăng ký mới, lượng vốn ĐTNN giải ngân tiếp tục xu hướng tăng. Đây là thực tế khiến cơ quan quản lý cũng như chính quyền các địa phương vẫn tỏ ra lạc quan về tình hình ĐTNN nói chung. Lý do là, khi lượng vốn giải ngân vẫn duy trì mức tăng đều sẽ bảo đảm một lượng tiền cụ thể được "bơm" vào nền kinh tế, tạo ra năng lực sản xuất mới, sản phẩm mới và nhất là đóng góp cho xuất khẩu. Ngoài ra, kết quả giải ngân vốn khả quan nói trên cũng thể hiện rõ sự quyết tâm đầu tư và gắn bó với Việt Nam thông qua mục tiêu chiến lược lâu dài của giới đầu tư ngoại... Việt Nam đang duy trì vị thế là địa bàn được ưu tiên đầu tư của các nước trên thế giới; đặc biệt là qua đánh giá của nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, trong đó riêng Mỹ đã nhiều lần xác nhận mục tiêu sẽ trở thành nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam.
Các chuyên gia nhấn mạnh, kết quả vốn giải ngân tăng lên là biểu hiện tích cực, thể hiện sức sống của khu vực ĐTNN và vẫn có thể lạc quan sự đóng góp của khu vực này đối với nền kinh tế. Đơn cử, Chính phủ và các cơ quan chức năng đánh giá cao việc Tập đoàn Samsung mới khởi công dự án trị giá 1,4 tỷ USD ở TP Hồ Chí Minh trong tháng 5 vừa qua. Dự án được triển khai giải ngân sau một thời gian ngắn sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất trên địa bàn trong thời gian tới.
Thêm nhiều dự án công nghiệp phụ trợ
Trong một diễn biến khác, hiện đang xuất hiện thêm một số dự án ĐTNN thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nhằm sản xuất các linh kiện, phụ tùng phục vụ công đoạn lắp ráp một loạt sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao như điện thoại di động, máy ảnh, máy tính… Đây là thực tế rất đáng mừng, cho thấy dòng vốn ngoại đang chuyển dịch đúng hướng, "chảy" mạnh vào khu vực sản xuất quan trọng nhất. Các thành phẩm cuối cùng của quá trình này sẽ được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính và có sức tiêu thụ hàng đầu như Mỹ, EU, Hàn Quốc…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án ĐTNN quy mô vừa và nhỏ đang có mặt sẽ góp phần bù đắp cho sự thiếu hụt của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam. Trên thực tế, Công ty JNTC (Hàn Quốc) vừa cho biết kế hoạch đầu tư dự án sản xuất kính quang học với trị giá khoảng 50 triệu USD và sẽ tuyển dụng khoảng 2.000 công nhân tại tỉnh Vĩnh Phúc. Công ty Vina Anydo Electronics cũng của Hàn Quốc đã quyết định chọn Vĩnh Phúc để xây dựng nhà máy chuyên sản xuất, gia công linh kiện dùng cho điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác. DN này hy vọng có thể sớm hoàn thành việc lắp đặt hệ thống máy móc để triển khai sản xuất từ tháng 8-2015. Trong khi đó, hàng chục dự án khác cũng xuất hiện tại các tỉnh có tiềm năng về công nghiệp và sẵn sàng về nhân lực như Đồng Nai, Hải phòng, Thái Nguyên… Rõ ràng, ngay sau sự có mặt của các "ông lớn" trong ngành sản xuất hàng điện tử đẳng cấp quốc tế như Samsung, LG hay Microsoft luôn kéo theo sự xuất hiện của DN quy mô nhỏ làm vệ tinh, cung cấp linh kiện.
Thực tế cho thấy, việc có thêm dự án công nghiệp phụ trợ chính là tạo ra nguồn cung ứng linh kiện ngay trong nước, thay vì phải nhập khẩu như trước; từ đó tiết kiệm được ngoại tệ, chi phí thời gian làm thủ tục và vận tải cho nhiều DN, đồng thời tạo ra sự biến chuyển mạnh mẽ cho hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu trên diện rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.