(HNM) -
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, đây chỉ là một món quà nhằm "bù đắp về tinh thần" cho những kiều dân ở nước ngoài, phải chịu quá nhiều nỗi đau do bị chia cách với gia đình và rời xa quê hương. Nhưng ở bên kia biên giới, người đồng nhiệm nước láng giềng Slovakia Robert Fico cáo buộc đây là "món quà tẩm độc" từ Budapest. Quốc hội Slovakia cũng lập tức trả đũa bằng cách thông qua đạo luật tước bỏ quốc tịch Slovakia đối với những người mang hai quốc tịch; xác định chỉ có công dân Slovakia mới được nhận những cương vị nhất định trong bộ máy công quyền và làm việc trong những ngành nghề nhất định. Slovakia cho rằng chính quyền của Thủ tướng V.Orban đang theo đuổi mục tiêu xét lại lịch sử và đây là một bước đi trong mưu đồ phục hồi đế chế "đại Hung", làm gia tăng mối nguy an ninh đối với Slovakia.
Cách đây ngót một thế kỷ, Hòa ước Trianon là văn kiện được ký kết sau Chiến tranh thế giới lần thứ I, giữa đế chế Áo -Hung - nước bại trận sau chiến tranh và phe Hiệp ước. Đây là một trong 5 hòa ước thuộc hệ thống Hòa ước Versailles. Theo Trianon, Hungary bị mất đi 61% lãnh thổ, 63% dân cư cho nhiều nước khác như Nam Tư, Romania và Tiệp Khắc. Diện tích Hungary bị giảm từ 320.000km2 xuống còn 90.000km2, dân số từ 20 triệu xuống còn 8 triệu người.
Hiện tại, người gốc Hungary tại Slovakia chiếm 10% trong số 5,4 triệu dân Slovakia, tức vào khoảng 500 nghìn người. Xem ra, mối lo của Slovakia không phải không có cơ sở vì theo lập luận của Thủ tướng V.Orban, giới chức Hungary hành xử như thể khu vực miền Nam Slovakia là một phần lãnh thổ của họ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng việc "thổi phồng" mối lo từ Hungary là có mục đích nhằm tạo thêm thuận lợi cho đảng của Thủ tướng V.Fico trong cuộc bầu cử ngày 12-6. Trong bối cảnh nhiệm kỳ của người đứng đầu Chính phủ Slovakia bị phủ bóng bởi các vụ bê bối tham nhũng và khó khăn kinh tế, việc tuyên truyền về hiểm họa "đại Hung" được tận dụng như một con bài nhằm đánh lạc hướng cử tri, giúp thu hút sự ủng hộ từ nhóm theo đường lối dân tộc chủ nghĩa.
Chưa biết cuộc "khẩu chiến" giữa hai quốc gia Trung Âu này sẽ đi đến đâu, nhưng trước mắt, kiều dân Hungary ở Slovakia đang là những người gánh chịu thiệt thòi vì phải sống trong cảnh "giữa hai làn đạn". Điều duy nhất họ hy vọng là liên minh cánh hữu chiến thắng trong ngày bầu cử 12-6, với sự trợ lực của các đảng thân Hungary. Nếu không, tấm "hộ chiếu Hungary" vẫn mãi chỉ là một "tấm hộ chiếu trong mơ".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.