Quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc liên tục tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là trong hơn một thập kỷ vừa qua.
Việt Nam duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam, dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới...
Trong bài viết đăng trên Báo Nhân Dân (Việt Nam) và Nhân Dân nhật báo (Trung Quốc) nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chia sẻ quan điểm rằng, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị, chia sẻ lợi ích chiến lược rộng rãi, nhấn mạnh trong suốt 75 năm qua, hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển luôn là dòng chảy chính trong quan hệ song phương.
Liên quan đến lĩnh vực kinh tế và thương mại, trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Quan hệ kinh tế - thương mại không ngừng phát triển mạnh mẽ, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước... Trong khi đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng: Ngày càng nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam như sầu riêng, trái dừa đã được đến với đông đảo gia đình Trung Quốc. Kết nối đường sắt và xây dựng cửa khẩu thông minh được thúc đẩy nhịp nhàng...
Theo các chuyên gia kinh tế và học giả, mối quan hệ láng giềng có tính truyền thống và sự tin cậy cao về chính trị như vậy đã tạo ra nền tảng quan trọng để hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc suốt nhiều năm qua liên tục phát triển không ngừng, trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước. Các chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước diễn ra thường xuyên đã mở đường cho hàng loạt hiệp định thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế. Việc hai Chính phủ phối hợp trong các cơ chế hợp tác khu vực và song phương, đồng thời duy trì thường xuyên đối thoại kinh tế cấp cao đã giúp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tạo môi trường pháp lý ổn định cho doanh nghiệp hai bên hợp tác lâu dài.
Nỗ lực từ cả hai phía đã đơm hoa kết trái, với hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc liên tục tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là trong hơn một thập kỷ vừa qua. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 170 tỷ USD. Năm 2024, Việt Nam duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc xét theo tiêu chí quốc gia. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 205,2 tỷ USD (tăng 19,3%). Trong 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại song phương đạt 51,25 tỷ USD (tăng 17,46% so với cùng kỳ).
Về đầu tư, Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, đặc biệt trong sản xuất công nghiệp, năng lượng, bất động sản, xây dựng hạ tầng… Năm 2024, Trung Quốc đứng đầu về số dự án cấp mới với 955 dự án, đứng thứ 3/110 đối tác đầu tư vào Việt Nam về số vốn với 4,73 tỷ USD. Lũy kế đến ngày 31-12-2024, Trung Quốc đứng thứ 6/148 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 5.111 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 30,83 tỷ USD. Trong tháng 3-2025, Trung Quốc đứng thứ 2 về tổng số vốn đăng ký, đạt 1,23 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,5%.
Về du lịch, Việt Nam năm 2024 đã đón 3,74 triệu lượt khách Trung Quốc (tăng 114% so với năm 2023), chiếm 21,26% tổng lượt khách quốc tế đến nước ta. Trong 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam tiếp tục đón 1,58 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 178% so với cùng kỳ, và là mức cao nhất.
Những con số trên là minh chứng rõ nét cho thấy, Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua “đã thúc đẩy hợp tác kinh tế ổn định và thực chất” - như lời Giáo sư Kim Sán Vinh tại Đại học Nhân dân Trung Quốc chia sẻ.
Cũng trong bài viết trên Nhân Dân nhật báo, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, sự phát triển ổn định, bền vững lâu dài của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt - Trung là lợi ích căn bản, lâu dài, là nguyện vọng thiết tha từ bao đời của hai dân tộc về hòa bình và hữu nghị, có ý nghĩa hệ trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở mỗi nước, thuận theo xu thế lớn của thời đại là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng.
Cùng quan điểm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt có ý nghĩa chiến lược, phù hợp với lợi ích chung của hai nước, có lợi cho hòa bình ổn định và phát triển phồn vinh của khu vực và thế giới, là sự lựa chọn của lịch sử và sự lựa chọn của nhân dân.
Tầm nhìn chung của lãnh đạo cấp cao kết hợp với tin cậy chính trị sâu sắc và nền tảng hợp tác ngày càng vững vàng là điều kiện bảo đảm quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc tới đây còn phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích cho cả hai nước. Giáo sư Mi Liang (Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh) cũng cho rằng, cùng đối mặt những thách thức chung, cùng cải cách, mở cửa kinh tế… cũng là những động lực quan trọng để hợp tác ngày càng sâu sắc và ổn định.
Tiến trình này sẽ có nhiều thuận lợi. Làm rõ nhận định này, Chủ tịch điều hành Hội đồng doanh nghiệp Trung Quốc - ASEAN Xu Ningning đánh giá, tính bổ sung trong cơ cấu kinh tế hai nước chính là một lợi thế lớn. Việt Nam hiện là quốc gia có lực lượng lao động trẻ, chi phí sản xuất cạnh tranh và đang hướng tới phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong khi đó, Trung Quốc có ưu thế về công nghệ, vốn đầu tư, quy mô thị trường lớn và kinh nghiệm phát triển công nghiệp. Điều này tạo ra dư địa lớn để tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi giá trị toàn cầu đang dịch chuyển và tái cơ cấu sau đại dịch Covid-19.
Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trên bộ dài hơn 1.400km, cùng với nhiều cửa khẩu quốc tế, quốc gia và địa phương như Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Móng Cái - Đông Hưng, Lào Cai - Hà Khẩu… Các tuyến đường bộ, đường sắt xuyên biên giới đã và đang được nâng cấp, mở rộng. Ngoài ra, hai nước đều nằm trong các tuyến hành lang kinh tế lớn như: Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… Tất cả những bước tiến này đã tạo điều kiện thuận lợi, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy lưu thông hàng hóa, giao thương và hợp tác đầu tư xuyên biên giới.
Chưa dừng ở đó, ngày nay, cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế và hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, hay khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)... Bối cảnh này tạo thuận lợi để hai nước tiếp tục thúc đẩy thương mại tự do, giảm thiểu rào cản thương mại, đồng thời cùng hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng khu vực. Thời gian tới, nếu có thể tăng cường hợp tác trong phát triển cơ sở hạ tầng (đường sắt liên vận, cảng biển, logistics..), hai bên còn có thể giảm chi phí vận tải, rút ngắn thời gian giao thương và tăng cường hơn nữa khả năng kết nối trong khu vực cũng như trên thế giới.
Giới chuyên môn cho rằng, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác mang tính truyền thống, Việt Nam và Trung Quốc hoàn toàn có thể mở rộng cơ hội sang các lĩnh vực mới mẻ hơn. Thực tế, sau hơn 45 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Từ chỗ là một nước đi sau, đến nay, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc khoa học công nghệ, với vị trí thứ 3 thế giới về đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) và dẫn đầu thế giới về số lượng bằng phát minh sáng chế. Gần đây, Trung Quốc đã liên tiếp công bố nhiều thành tựu công nghệ nổi bật trong các lĩnh vực then chốt như trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G, robot tự động, chíp bán dẫn, công nghệ vũ trụ...
Với Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn đề cao và đặc biệt coi trọng vai trò mang tính quyết định của khoa học công nghệ đối với sự phát triển bền vững của đất nước, những năm gần đây đã ban hành nhiều văn kiện chính trị quan trọng thể hiện tinh thần này, đặc biệt gần đây là Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số hiển nhiên trở thành những lĩnh vực có tiềm năng hợp tác vô cùng to lớn, cũng là những lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Việt Nam sẵn sàng làm sâu sắc hơn nữa hợp tác khoa học công nghệ với Trung Quốc, trong đó mong muốn Trung Quốc tăng cường hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ về vốn trong lĩnh vực này.
Cùng với đó, hai nước có thể thúc đẩy tạo ra những điểm sáng khác trong hợp tác trình độ cao, nhất là các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, Trung Quốc có thế mạnh như đường sắt khổ tiêu chuẩn, thương mại nông sản, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, kinh tế số, kinh tế xanh... đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tin tưởng, với khoảng 40 văn kiện hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực giữa các bộ ngành, cơ quan, địa phương hai nước được ký kết trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dịp này sẽ tạo cơ sở quan trọng để triển khai hợp tác hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc là mắt xích mang tính chiến lược, ảnh hưởng sâu rộng đến sự ổn định và tương lai thịnh vượng của cả hai quốc gia. Xây dựng một mối quan hệ kinh tế hài hòa, bình đẳng và cùng có lợi chắc chắn sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của cả hai nước. Đây cũng là một trong những cách tiếp cận cốt lõi là đóng góp quan trọng vào nỗ lực chung để Việt Nam và Trung Quốc cùng phát huy mạnh mẽ truyền thống hữu nghị, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ song phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.