Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải đáp nhiều băn khoăn của người lao động về bảo hiểm xã hội

Hà Phong| 21/04/2023 11:38

(HNMO) - Nhằm trang bị cho các đơn vị, doanh nghiệp, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) những kiến thức thiết thực liên quan tới các chế độ, chính sách mới, sáng nay (21-4), Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ quận Hoàn Kiếm tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách mới về lao động, chế độ tiền lương và bảo hiểm xã hội (BHXH)".

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

Buổi giao lưu trực tuyến thu hút hơn 300 đoàn viên, CNVCLĐ quận Hoàn Kiếm tham gia hỏi trực tiếp và hàng nghìn độc giả theo dõi, đặt câu hỏi dưới hình thức trực tuyến.

Giải đáp băn khoăn của người lao động về việc đã đóng BHXH ngắt quãng, chuyển nhiều công ty thì có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không? Chuyên gia Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông BHXH thành phố Hà Nội cho biết: Theo quy định, chưa đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp thif chưa được hưởng. Còn về số tháng đóng BHXH do ngắt quãng, thời gian chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được cộng dồn. Điều kiện hưởng là đóng đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Các chuyên gia giải đáp câu hỏi của người lao động.

Liên quan nhu cầu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, ông Nguyễn Đức Năng, Giám đốc Công ty Luật Năng và Partner thông tin: Người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật, cần thông báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày. Về thủ tục, người lao động cần làm đơn xin nghỉ việc gửi trực tiếp tới chủ sử dụng lao động. Trong thời gian 45 ngày chờ quyết định của người sử dụng lao động thì người lao động vẫn phải đi làm và chấp hành đầy đủ các quy chế, quy định của doanh nghiệp.

Về vấn đề, làm thế nào để trong thời gian nghỉ chờ hưu, người lao động được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế (BHYT), bà Dương Thị Minh Châu cho hay: Khi người lao động tham gia BHXH bắt buộc thì đồng thời tham gia BHYT và được hưởng quyền lợi về BHYT. Tuy nhiên, khi nghỉ làm, dừng đóng BHXH bắt buộc thì cũng dừng tham gia BHYT bắt buộc và không được hưởng quyền lợi BHYT này. Song người lao động vẫn có thể tham gia đóng BHYT theo hộ gia đình để được hưởng quyền lợi BHYT.

“Lưu ý là ngay sau khi ngừng tham gia BHXH bắt buộc thì người lao động nên tham gia BHYT hộ gia đình ngay để tránh bị thời gian cách quãng BHYT, dẫn đến thiệt thòi quyền lợi tham gia BHYT 5 năm liên tục”, bà Dương Thị Minh Châu nhấn mạnh...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải đáp nhiều băn khoăn của người lao động về bảo hiểm xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.