Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải báo chí Ngô Tất Tố 2018: Nhiều tác phẩm bắt kịp xu thế báo chí hiện đại với hình thức thể hiện mới

Hoàng Lân| 04/12/2018 15:49

(HNMO) - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội - nhà báo Nguyễn Viêm Hoàng cho biết, cho đến ngày 4-12, có khoảng 160 tác phẩm của các cơ quan báo chí Thủ đô gửi về dự Giải báo chí Ngô Tất Tố.

hà báo Nguyễn Viêm Hoàng. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội cho biết, cho đến ngày 4-12, có khoảng 160 tác phẩm của các cơ quan báo chí Thủ đô gửi về dự Giải báo chí Ngô Tất Tố. Các tác phẩm năm nay đa dạng về đề tài, thể loại, hình thức thể hiện và vẫn phải bám sát được những vấn đề thời sự “nóng” của Hà Nội và cả nước.

Nhà báo Nguyễn Viêm Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội.


Ngày hội của những người làm báo Thủ đô

Năm 2018 là năm thứ 24 Hội Nhà báo thành phố Hà Nội xét tặng Giải thưởng báo chí Ngô Tất Tố. Ngày 4-12, trao đổi với PV Hànộimới Online, nhà báo Nguyễn Viêm Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội cho biết, năm nay Thành ủy Hà Nội tổ chức hai giải báo chí về Xây dựng Đảng và Xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ 1, thế nên giải báo chí Ngô Tất Tố lùi thời gian nhận bài và chấm thi so với mọi năm.

Đầu tháng 12, Hội Nhà báo Hà Nội đã nhận đầy đủ các tác phẩm dự thi ở các cơ quan báo chí. Theo thể lệ, các tác phẩm dự giải phải là những tác phẩm đã đăng, phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Hà Nội từ ngày 25-11-2017 đến hết ngày 25-11-2018.

Với báo in, mỗi tác phẩm viết theo chủ đề, dài không quá 5 kỳ. Với phát thanh - truyền hình, phóng sự dài không quá 15 phút; phim tài liệu, tọa đàm dài không quá 30 phút.

Theo kế hoạch, ngày 7-12, Hội đồng chấm sơ khảo sẽ tiến hành chấm giải để chọn các tác phẩm xuất sắc vào vòng chung khảo. Việc chấm giải sẽ hoàn tất trước ngày 31-12-2018.

Đánh giá về chất lượng tác phẩm báo chí Thủ đô dự Giải báo chí Ngô Tất Tố những năm gần đây, ông Nguyễn Viêm Hoàng nhận định, các tác phẩm báo chí Thủ đô luôn có sự “chững chạc” về nghề, thể hiện ở những vấn đề được phản ánh trong tác phẩm.

Nhiều tác phẩm bám sát những vấn đề thời sự ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và cả nước như việc thực hiện các Nghị quyết lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết của Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI; phong trào thi đua các ngành; những gương tập thể, cá nhân về học tập và làm theo tấm gương, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; những vấn đề chủ quyền biên giới, hải đảo; vấn đề đời sống dân sinh như trật tự xã hội, nếp sống văn minh, quản lý đô thị, vệ minh môi trường, phòng chống tham nhũng…

Nhiều bài báo cho thấy sự dấn thân của những người làm báo, mạnh dạn phản ánh những tiêu cực ở nhiều lĩnh vực, thể hiện phản biện xã hội mạnh mẽ trên tinh thần đóng góp, xây dựng để từ đó góp phần giúp chính quyền xây dựng trật tự xã hội tốt đẹp hơn.

Nhà báo Nguyễn Viêm Hoàng cũng nhận định, với sự đổi mới của báo chí hiện đại, báo chí Thủ đô đã có sự thay đổi đáng khích lệ về hình thức thể hiện. Nhiều tác phẩm báo chí không chỉ cho thấy sự công phu về nội dung mà còn có những hình thức trình bày bắt kịp xu thế của báo chí hiện đại với hình thức thể hiện mới như: Megastory, longform, infographic… Điều này phần nào tạo nên sự hào hứng nhất định cho Hội đồng chấm giải.

“Việc đổi mới hình thức thể hiện ở các tác phẩm báo chí là rất cần thiết. Hình thức sinh động, hấp dẫn, kết hợp nhiều loại hình báo chí như báo in, phát thanh, truyền hình, infographic, ảnh… sẽ hấp dẫn được bạn đọc, đạt hiệu quả thông tin cao. Tuy nhiên, bên cạnh hình thức bắt mắt, nội dung của tác phẩm phải chất lượng, có tính khái quát cao và mang giá trị thông tin thì tác phẩm báo chí đó mới được Hội đồng chấm giải đánh giá cao”, nhà báo Nguyễn Viêm Hoàng khẳng định.

Áp lực của những người làm báo Thủ đô

Nói về áp lực của những người làm báo Thủ đô trong thời đại bùng nổ thông tin, sự ảnh hưởng từ mạng xã hội, nhà báo Nguyễn Viêm Hoàng nhận định, người làm báo Thủ đô hôm nay phải đối diện với nhiều áp lực hơn so với trước kia.

“Việc tiếp cận “biển” thông tin phong phú, dồi dào với nhiều kênh thông tin tạo cơ hội cho người làm báo nhiều điều kiện để khai thác, cung cấp thông tin sinh động cho độc giả nhưng điều này cũng là áp lực, thách thức của người làm báo. Việc làm sao để chọn lọc, thẩm định thông tin đúng, chân thực, chính xác, khách quan… đòi hỏi người làm báo phải có nhãn quan chính trị, luôn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết”, nhà báo Nguyễn Viêm Hoàng chia sẻ.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm, trước nhiều vấn đều “nóng” xảy ra trên địa bàn Hà Nội, trong đó có nhiều luồng dư luận gây xáo trộn trên mạng xã hội, hệ thống báo chí Thủ đô đã bắt kịp nhanh, kịp thời cung cấp thông tin chuẩn xác cho người dân.

Tuy nhiên, người làm báo Thủ đô cũng cần tận dụng thế mạnh của báo chí hiện đại để chủ động có những thông tin sâu, hấp dẫn bạn đọc.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội nhận định: “Hiện nay, nhiều tớ báo vì chạy theo thị hiếu bạn đọc, sa đà vào những tệ nạn xã hội, những tin giật gân… là không nên. Khi những mặt trái của xã hội được đẩy lên với số lượng quá nhiều sẽ khiến bạn đọc cảm thấy bất an. Bạn đọc bây giờ cũng là những người đọc báo thông minh, họ sẽ tìm đến những tác phẩm báo chí giá trị chứ không chỉ đọc những tin giật gân".

"Người làm báo muốn nâng cao tay nghề thì bên cạnh việc trau dồi kiến thức, kỹ năng hiện đại còn phải tự tu rèn cho mình đạo đức nghệ nghiệp, có đầu óc phân tích, tổng hợp để nhận biết cốt lõi giá trị của vấn đề trước khi đặt bút viết”, nhà báo Nguyễn Viêm Hoàng chia sẻ.

Giải thưởng báo chí Ngô Tất Tố 2018 đã hoàn tất việc gửi bài dự thi. Hơn 160 tác phẩm báo chí ở các cơ quan thông tấn của Hà Nội phần nào cho thấy những đóng góp của báo chí Thủ đô trong hệ thống báo chí cả nước trong việc phản ánh cuộc sống muôn màu của Hà Nội và của cả nước trong năm qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải báo chí Ngô Tất Tố 2018: Nhiều tác phẩm bắt kịp xu thế báo chí hiện đại với hình thức thể hiện mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.