(HNM) - Mong muốn được sinh hoạt, vui chơi an toàn, lành mạnh là nhu cầu thường trực của trẻ em, đặc biệt trong dịp nghỉ hè. Từng bước giải bài toán “khát” sân chơi cho trẻ nhỏ, TP Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các ngành, địa phương, cộng đồng xã hội chung tay xây dựng những điểm vui chơi bổ ích, lý thú.
Cần thêm nhiều điểm vui chơi an toàn
Mặc dù đã quan tâm đầu tư xây dựng nhưng đến thời điểm này, TP Hà Nội mới có hơn 200 điểm công viên, vườn hoa, sân chơi công cộng. Số lượng này chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí cho gần 10 triệu dân, trong đó có hơn 1,8 triệu trẻ em trên địa bàn. Các điểm vui chơi công cộng có thương hiệu như: Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thủ Lệ, Bách Thảo, Thống Nhất, Yên Sở… vẫn thiếu trò chơi hấp dẫn, thiếu hệ thống giám sát an ninh nên phụ huynh không yên tâm để con trẻ tự vui chơi. Các khu vui chơi mang tính thương mại tuy phong phú về trò chơi nhưng thu phí khá cao, nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa con em đến. “Cho con đi chơi thì lo không an toàn, để ở nhà thì lo chúng mê mải xem ti vi, sử dụng internet nên tôi phải tìm các lớp học năng khiếu, kỹ năng sống để gửi con”, anh Lê Mạnh Hùng (ngõ 207 phố Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân) chia sẻ. Nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện như vậy. Nhiều người phải gửi con về quê hay đến nhà người thân để tiện người chăm sóc.
Những sân chơi an toàn tại cộng đồng góp phần tạo dựng môi trường lành mạnh cho trẻ phát triển. Ảnh: Sơn Hà |
Đa số trẻ em ở thành phố chỉ được người lớn đưa đi chơi vào ngày nghỉ. Điều đó lý giải vì sao các khu vui chơi quy mô lớn thường quá tải vào ngày cuối tuần, ngày lễ, Tết. Điểm sinh hoạt tại cộng đồng dân cư là nơi trẻ em có thể vui chơi thường xuyên, vốn đã ít, lại hoạt động chưa hiệu quả nên trẻ không mặn mà tham gia. Ở nông thôn, tình trạng thiếu nơi vui chơi, giải trí còn trầm trọng hơn. “Nông thôn có đất để xây dựng sân chơi nhưng thiếu kinh phí xây dựng. Địa điểm vui chơi của trẻ em thường là cánh đồng, bờ đê, bãi cát, chơi mãi cũng chán. Muốn đọc sách tại thư viện, học năng khiếu, học bơi, đến công viên.., các cháu phải đi xa và không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa đi”, ông Nguyễn Sóng Hồng, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì nói.
Theo Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam Trịnh Hòa Bình, việc thiếu sân chơi an toàn, bổ ích là nguyên nhân khiến trẻ em tham gia vào những trò chơi nguy hiểm, nghiện game online, mạng xã hội, làm tăng nguy cơ trẻ bị bạo lực, xâm hại…
Xây dựng điểm vui chơi tại cộng đồng
Góp phần tạo dựng môi trường an toàn cho trẻ phát triển, trong những năm gần đây, các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức xã hội chú trọng xây dựng sân chơi an toàn tại cộng đồng. Bà Nguyễn Thu Trang, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Cầu Giấy cho biết, đến thời điểm này, toàn quận có gần 80 sân chơi cộng đồng hiện đại, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vui chơi thường xuyên của trẻ.
Huy động các nguồn lực xã hội, quận Đống Đa đã lắp đặt thành công hơn 20 sân chơi trong năm 2017; tiếp tục lắp đặt hơn 20 sân chơi trong năm 2018. Dự kiến đến năm 2020, quận Đống Đa có đủ sân chơi cho nhân dân và trẻ em sinh hoạt. Dịp hè này, 14/14 phường của quận Ba Đình cũng đầu tư xây dựng, nâng cấp trang thiết bị phục vụ trẻ em tại các điểm vui chơi công cộng.
Đưa sân chơi đến với trẻ em vùng khó khăn, Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tích cực kêu gọi sự chung tay của các nhà hảo tâm. Dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6 năm nay, quỹ tặng kinh phí mua sắm trang thiết bị vui chơi cho 5 trường mầm non tại huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín và Quốc Oai, mỗi đơn vị 65 triệu đồng. Cùng thời điểm, Thành đoàn Hà Nội, Hội đồng Đội TP Hà Nội tặng một số sân chơi cho thiếu nhi ở huyện Ứng Hòa, Mê Linh, Mỹ Đức và Quốc Oai. “Không có các nhà hảo tâm, không biết đến bao giờ hơn 1.800 trẻ em trên địa bàn xã Minh Châu mới có thiết bị vui chơi. Mong rằng, các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ xây dựng sân chơi cho trẻ em vùng khó khăn”, ông Nguyễn Công Chiến (xã Minh Châu, huyện Ba Vì) bày tỏ.
Nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức Plan International Việt Nam, các điểm vui chơi an toàn, thân thiện và bình đẳng đã và đang được xây dựng tại xã Kim Chung, Xuân Canh, Thụy Lâm, Đông Hội, Cổ Loa, Kim Nỗ, Bắc Hồng… của huyện Đông Anh, mang lại niềm vui cho khoảng 4.500 trẻ em. “Đến đây, chúng cháu thỏa sức chơi, trò chuyện với bạn bè. Tâm lý sợ bị bắt cóc, bị xâm hại được giải tỏa hoàn toàn”, Hà Đỗ Phương Anh, học sinh lớp 7A, Trường THCS Kim Chung nói.
Mô hình sân chơi nói trên mang lại cảm giác an toàn cho trẻ vì được thiết lập sau quá trình khảo sát nhu cầu vui chơi của trẻ và mong muốn của nhân dân. Bà Lê Quỳnh Lan, quản lý vùng dự án Hà Nội của Tổ chức Plan International Việt Nam cho biết, kinh phí xây dựng mỗi sân chơi an toàn khoảng hơn 100 triệu đồng. Số tiền không lớn, được huy động từ nhiều nguồn, trong đó có phần đóng góp của chính quyền và cộng đồng sở tại. Nếu quyết tâm, các địa phương đều có thể xây dựng sân chơi an toàn, thân thiện và bình đẳng cho trẻ em.
Như vậy, cùng với hệ thống công viên, vườn hoa đang được triển khai xây dựng, nâng cấp theo “Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050”, mạng lưới sân chơi an toàn tại cộng đồng đã góp phần tạo ra môi trường hữu ích cho trẻ em vui chơi, phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.