Ngoài lợi thế thuế nhập khẩu xuống 0% từ các nước ASEAN, ôtô nhập về Việt Nam đối mặt không ít trở ngại.
Phải đến 2018, ôtô nhập về Việt Nam mới có trong tay lợi thế dường như duy nhất, thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% so với 30% như hiện nay. Theo tính toán từ các hãng, giá xe có thể giảm 20% nhờ ưu đãi này. Tuy vậy, giá xe nhập khẩu có giảm được 20% trên thị trường hay không thì các hãng lại chưa có câu trả lời, bởi hàng loạt những rào cản khác đã dựng lên.
Những khó khăn đó là Nghị định 116/2017 quy định điều kiện kinh doanh ôtô, đề xuất của Bộ Tài chính về thuế tiêu thụ đặc biệt và đề xuất thuế nhập khẩu linh kiện.
Hãng xe kêu cứu
Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam (VAMA) vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng, đề xuất nới lỏng một số quy định đối với ôtô nhập khẩu trong Nghị định 116/2017.
Wigo, một trong những mẫu xe mới của Toyota sẽ không thể có mặt tại thị trường Việt Nam như dự kiến vào đầu 2018 do vướng những ràng buộc trong Nghị định 116. |
Theo đó, vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay của các doanh nghiệp nhập khẩu là "Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài", rất khó đáp ứng.
Lý giải của đại diện VAMA là loại giấy trên không tồn tại ở nhiều quốc gia, nơi chính quyền áp dụng chính sách các nhà sản xuất tự chứng nhận. Hoặc ở một số nước, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể cấp giấy chứng nhận chất lượng loại này nhưng hệ thống tiêu chuẩn và đăng kiểm không giống Việt Nam.
Chưa dừng lại ở đó, việc kiểm tra xe theo từng lô nhập khẩu cũng khiến các doanh nghiệp kêu khó. Bởi cùng một loại xe nhưng nếu nhập về Việt Nam ở những thời điểm khác nhau, vẫn buộc phải kiểm định chất lượng khí thải, an toàn như lô xe đầu.
Việc thử nghiệm một mẫu xe có thể kéo dài tới hai tháng, chi phí lên đến 10.000 USD cho mỗi lần thực hiện. Điều này khiến các xe khác trong cùng lô xe nhập phải nằm chờ ở cảng, chi phí lưu kho, bảo dưỡng vì thế tăng lên.
Đối với những doanh nghiệp nhập khẩu số lượng lớn, thường là xe phổ thông, chi phí phát sinh do thời gian nằm chờ kiểm tra chất lượng có thể không ảnh hưởng quá nhiều đến giá bán. Ngược lại nhập số lượng ít, doanh nghiệp phải cân nhắc về giá bán tăng hay không để đảm bảo lợi nhuận.
Doanh nghiệp muốn nhập khẩu ôtô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đúng chuẩn thuộc sở hữu của đại lý trong hệ thống hoặc đi thuê. Bên cạnh đó là có giấy xác nhận ủy quyền chính thức từ hãng nước ngoài thực hiện việc triệu hồi xe tại Việt Nam.
So với hai quy định nêu trên, ràng buộc khác "dễ thở" hơn cho các hãng sản xuất, lắp ráp trong nước là yêu cầu đường thử 800 m.
Những rào cản "nhãn tiền" khác
Nếu những đề nghị của VAMA được giải quyết theo hướng các doanh nghiệp mong muốn thì điều đó cũng không có nghĩa là giá xe được thoải mái giảm theo thuế bởi còn hai rào cản thuế khác.
Bộ Tài chính có những đề xuất về thuế liên quan đến ôtô vào 2018. Đầu tiên là đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị tạo ra trong nước của mỗi xe. Thứ hai, miễn thuế một số linh kiện quan trọng nếu doanh nghiệp đạt đủ số lượng theo quy định ràng buộc kèm theo.
Các chuyên gia tính toán, cả hai đề xuất trên nếu được phê chuẩn và có hiệu lực, xe lắp ráp trong nước chiếm ưu thế hơn về giá trước xe nhập khẩu, cơ hội tiếp cận khách hàng vì thế cũng lớn hơn.
"Đầu 2018, xe nhập khẩu vẫn có thể giảm giá vài chục đến cả trăm triệu, tuy nhiên vào sâu 2018 thì lợi thế này càng mong manh", một chuyên gia từ hãng xe Nhật nhận định. "Với những bức tường cao thế này, tôi e ngại giá xe nhập khẩu khó lòng cạnh tranh với xe lắp ráp.
Xe nhập khẩu có thể giảm giá 10-20% nhưng xe lắp ráp thậm chí còn có thể giảm tốt hơn nữa nếu các hãng tăng được tỷ lệ giá trị nội địa cũng như lượng linh kiện được miễn thuế nhập khẩu tăng lên.
Vị này cũng cho biết, hãng mong đặt giá thấp một cách tối ưu, để tăng doanh số chứ không vì lợi nhuận mỗi xe cao mà bán được số lượng ít. Tuy vậy, ý chí của một mình hãng xe là chưa đủ, vì giá còn phụ thuộc vào chính sách.
Những hãng từng có kế hoạch chuyển sang nhập khẩu như Toyota với Fortuner, Honda với Civic và CR-V cũng rơi vào trạng thái mông lung khi không thể đưa ra chiến lược giá trong dài hạn mà phải tuỳ thuộc chính sách. Trong khi đó, một hãng xe Nhật khác tại Việt Nam vốn chuyên xe nhập khẩu chuẩn bị chuyển sang lắp ráp một mẫu SUV.
Riêng ôtô nhập khẩu cũ, "lướt", đề xuất của Bộ Tài chính từ 2018 thay đổi cách tính thuế theo hướng tăng mạnh ở tất cả các dòng, khiến giá xe cũ cao hơn xe mới trên thị trường. Cửa nhập dành cho ôtô "lướt" gần như khép lại.
Đối diện những khó khăn bởi chính sách và chiến lược của cơ quan quản lý, lợi thế thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% từ 2018 là không đủ để chi phối hoàn toàn các hãng tại Việt Nam chuyển hẳn đầu tư sang xe nhập khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.