(HNM) - Mức tăng cao của giá xăng sẽ ảnh hưởng đến giá của nhiều hàng hóa trong nước, song xét về dài hạn thì Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Ảnh minh họa: Internet |
Theo Tổng cục Thống kê, việc tăng giá xăng dầu trong hai lần vừa qua sẽ tác động đến diễn biến thị trường, có thể làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thêm 0,41% ngay trong tháng 4 này. Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý G7 Taxi cho biết, xăng dầu tăng giá liên tục, nhưng giá cước taxi nhìn chung vẫn ổn định 3-4 năm nay. Sau lần tăng giá xăng lần này doanh nghiệp đang xem xét phương án điều chỉnh giá, nhưng nếu tăng cũng sẽ không tăng đáng kể, để tương đương với mặt bằng chung cũng như duy trì sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, Hiệp hội đang khuyến khích các hãng taxi truyền thống tiết giảm chi phí hoạt động, giữ ổn định giá cước và nâng cao chất lượng dịch vụ để giữ thị phần...
Trong khi đó, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng xác nhận, không phải cứ mỗi khi tăng giá xăng dầu thì doanh nghiệp vận tải sẽ tăng giá cước ngay, bởi họ phải tuân thủ giá ghi trên hợp đồng vận tải đã ký với đối tác trước đó. Có những hợp đồng đã ký trước cả năm nên không dễ dàng đàm phán để điều chỉnh giá vận tải. Như vậy, có thể nhận định, việc tăng giá cước sẽ chưa thể ảnh hưởng ngay và quá lớn đến giá cước taxi cũng như dịch vụ vận tải hàng hóa. Điều này đồng nghĩa với việc giá tiêu dùng nhóm giao thông sẽ chưa thể tăng cao và không thể đẩy CPI tăng mạnh như lo ngại.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, nếu xét về dài hạn thì CPI cả năm vẫn nằm trong tầm khống chế của Chính phủ. Các ngành chức năng đang tập trung nắm bắt tình hình thị trường, ổn định giá cả cũng như kết hợp hài hòa giữa việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Thanh Xuân, sau khi xăng dầu tăng giá, đơn vị chỉ tăng giá nhẹ đối với thực phẩm, còn các mặt hàng khác vẫn giữ nguyên giá bán ra. Một vài đối tác, nhà cung cấp đưa ra yêu cầu tăng giá, nhưng chúng tôi đã đàm phán, để giữ nguyên giá cũ vì quyền lợi của khách hàng. Tương tự, ông Vũ Thanh Tân, Giám đốc truyền thông của hệ thống siêu thị Big C cũng nhấn mạnh, đơn vị quyết định kiên trì mục tiêu giữ giá hàng hóa và tìm cách tiết giảm chi phí, tiết kiệm từ các công đoạn khác.
Bên cạnh đó, trong tình huống hàng hóa có thể tăng giá do tác động dây chuyền nói trên, các cơ quan chức năng cần tập trung theo dõi diễn biến thị trường, bảo đảm lưu thông phân phối, kiểm soát giá tốt; đặc biệt là phát hiện, tránh tình trạng “té nước theo mưa” để tăng giá bất hợp lý. Tính chung, CPI quý II vẫn sẽ tăng cao hơn so với quý I, điều này đòi hỏi sự phối hợp, vào cuộc một cách linh hoạt, kịp thời từ các cơ quan điều hành. Về lý thuyết thì hiện Việt Nam đã có thể tự chủ được khoảng 70% nhu cầu xăng dầu và cần phát huy nguồn lực này, nhất là để có kế hoạch sản xuất, dự trữ một cách chủ động, khoa học nhằm ứng phó tốt hơn khi gặp tình huống bất lợi.
Ông Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương) cho rằng, dù nước ta đã có hai nhà máy lọc dầu, nhưng chưa thể đáp ứng tất cả nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong tình huống tăng giá xăng dầu thì Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cần có sự chia sẻ hợp lý... "Dự báo, CPI cả năm nay vẫn có thể được khống chế trong tầm kiểm soát, bởi Chính phủ, các cơ quan chức năng đã có nhiều kinh nghiệm và có tính toán kỹ về khả năng ứng phó với lạm phát" - ông Khôi nhận định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.