Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Giá trị xanh'' trong bữa ăn hằng ngày

Sa Chi| 04/01/2021 07:33

(HNM) - Rau xanh là thành phần không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày, ngoài công dụng cung cấp chất xơ, tăng cường tiêu hóa, nhiều loại còn là thảo dược, có lợi sức khỏe.

Như mướp đắng, rau đắng đất, rau đắng biển, tuy có những ưu điểm, dược tính riêng nhưng đều rất tốt. Rau đắng đất, mướp đắng có tính mát, vị đắng, thanh nhiệt, tiêu độc, lợi tiểu. Người dân thường dùng để sắc uống, xào, luộc hay ăn sống. Còn rau đắng biển có nhiều chất tác động tích cực tới hệ thần kinh, giảm căng thẳng, mệt mỏi… Rau ngót cũng vậy, là loại rau rất lành với sản phụ sau sinh, giúp thanh nhiệt, bổ dưỡng; được sử dụng như một vị thuốc trong một số trường hợp như chữa tưa lưỡi ở trẻ em, chữa sót nhau thai.

Còn theo đông y, rau muống có vị ngọt, tính hơi lạnh, có công năng thanh nhiệt, lương huyết, thông đại tiểu tiện, giải độc khi cơ thể bị nhiễm các chất độc của nấm độc, khuẩn độc hoặc độc chất do côn trùng… Tuy chứa nguồn vitamin, khoáng chất đa dạng nhưng rau muống có thể làm mất công dụng một số loại thuốc nên cần thận trọng khi dùng.

Một loại rau dây leo phổ biến ở nước ta bởi khả năng sinh trưởng mạnh, nhưng mới chỉ được biết đến như một loại rau ăn hằng ngày mà chưa được sử dụng như một loại thuốc - đó là rau mồng tơi. Điểm nổi trội nhất của loại rau này là hàm lượng sắt, canxi, vitamin A, C và các vitamin nhóm B. Đây là những yếu tố vi lượng cần thiết giúp nâng cao sức đề kháng. Chất nhầy của rau kích thích nhu động ruột, rất có ích đối với người mắc táo bón…

Còn rất nhiều loại rau mang giá trị của dược liệu như ngải cứu, lá mơ, cải bó xôi… Vì vậy lời khuyên của các bác sĩ dinh dưỡng dành cho chúng ta là nên có từ 3 đến 4 loại rau xanh cho những bữa ăn chính của gia đình mình mỗi ngày để có thể tăng sức đề kháng, giữ sức khỏe một cách tự nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Giá trị xanh'' trong bữa ăn hằng ngày

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.