Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá dầu chưa ngừng "dò đáy" mới: Người cười nụ, kẻ khóc thầm

Thùy Dương| 29/08/2015 08:48

(HNM) - Những tuần gần đây, sự đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc ít nhiều đã tác động đến thị trường khu vực và toàn cầu.


Điều này càng khiến giá dầu tiếp tục trồi sụt. Chốt phiên giao dịch ngày 27-8, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10-2015 tăng 3,96 USD lên 42,56 USD/thùng; tăng 10,3% giá trị so với mức đóng cửa của phiên trước là 38,60 USD/thùng. Dẫu vậy, đây vẫn là mức giá "ngoài mong đợi" với người tiêu dùng và khiến nhiều ông chủ tiếp tục lao đao. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá dầu sẽ đi vào chuỗi tăng mới.

Như vậy, sau suốt 8 tuần giảm giá liên tiếp, dài nhất kể từ năm 1986, giá dầu mới có dấu hiệu nhích nhẹ. Mối quan ngại từ nền kinh tế Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, là tác nhân không nhỏ nhấn chìm giá dầu bất chấp những tín hiệu về sự dư thừa nguồn cung. Nền kinh tế tỷ dân "đảo chiều" khiến các nhà đầu tư e rằng các nền kinh tế khác ở Châu Á có thể giảm tăng trưởng, dẫn đến suy giảm nhu cầu về dầu mỏ.

Giá dầu giảm sâu đang có những tác động trái chiều đến nền kinh tế thế giới.


Trong khi đó, các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cương quyết không cắt giảm sản lượng, đồng thời Iran đang có kế hoạch tăng lượng khai thác để xuất khẩu sang Châu Âu, sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Ngoài ra, dầu mỏ được định giá và giao dịch bằng USD trên toàn cầu. Hiện tại, tờ bạc xanh đang rất mạnh so với các đồng tiền khác nên giá dầu ở ngoài nước Mỹ đắt hơn và dẫn tới nhu cầu dầu giảm theo. Giá dầu hiện trước đà giảm sâu hơn nữa.

Thực tế, cuộc "dò đáy" của giá dầu khởi nguồn từ giữa năm 2014 và kéo dài sang năm 2015. Đây không phải là một dấu hiệu tích cực với các thị trường năng lượng toàn cầu, cũng như các nước có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu như Nga - nguồn thu từ dầu mỏ chiếm tới 50% tổng thu nhập quốc gia. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Siluanov, Nga có thể mất khoảng 90 đến 100 tỷ USD/năm nếu giá dầu giảm 30%.

Và, dường như giá dầu đã vượt khỏi tầm kiểm soát của Mátxcơva. Nguồn cung dầu từ nguồn phi truyền thống đã lớn hơn người ta tưởng. Trung Quốc hiện đã bắt đầu chuyển hướng sang khai thác dầu đá phiến. Kế đến, sản lượng khai thác ở mức cao kỷ lục của Mỹ đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh như vậy, Mátxcơva thật khó có sự chọn lựa, ngoài việc buộc phải xem lại các dự án phát triển với các mỏ dầu ngoài khơi và phi truyền thống.

Ở chiều ngược lại, giá dầu giảm mạnh giúp Mỹ giành thế thượng phong trước các "đối thủ" như Nga, Venezuela và Iran. Riêng Mỹ được hưởng lợi lớn nhất từ cục diện dầu mỏ hiện nay. Về tổng thể, lợi ích mang đến cho nền kinh tế xứ Cờ hoa thật ấn tượng khi cứ mỗi 10 USD giảm cho một thùng dầu, thì GDP của Hoa Kỳ tăng 0,1% (số dự báo của Ngân hàng Đầu tư Thụy Sĩ UBS - Union Bank of Switzerland).

Nỗ lực của Mỹ trong những năm vừa qua nhằm giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu đã đạt được kết quả nhất định. Trong cuộc chiến "giá dầu" thấp, dường như Mỹ đang đạt được cả hai mục tiêu: kinh tế tăng trưởng khả quan; đồng thời cầm chân một số quốc gia "đối thủ" phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ. Theo các dự báo, trong tương lai gần, giá dầu đạt mốc trên 100 USD là không thể. Và, giá dầu thấp như một "con bài" đang hỗ trợ Mỹ duy trì vị trí siêu cường trên thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá dầu chưa ngừng "dò đáy" mới: Người cười nụ, kẻ khóc thầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.