Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá cả lại rục rịch tăng

Đặng Loan| 22/09/2012 08:22

(HNM) - Sau nhiều tháng đứng yên bởi sức mua thấp, giá bán lẻ nhiều mặt hàng ở TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu rục rịch tăng. Không chỉ vậy, nhiều siêu thị cũng đã nhận nhiều đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp với lý do xăng dầu, nguyên vật liệu… tăng giá.

Ghi nhận tại các chợ lẻ, giá các mặt hàng rau, củ, quả như bông cải, xà lách, khoai tây, cà chua, dưa leo, khổ qua… đang tăng từ 2.000 đồng đến 5.000 đồng/kg. Giá các loại gia súc gia cầm cũng tăng. Tại chợ Hòa Hưng (quận 10), giá các loại thịt lợn, cá cũng nhích lên 5.000-10.000 đồng/kg. Không chỉ thực phẩm, giá các mặt hàng gia dụng, dầu gội, sữa tắm… ở các chợ, các tiệm tạp hóa cũng đã rục rịch tăng. Các tiểu thương cho biết buôn bán ế ẩm nên không muốn tăng giá nhưng do chi phí, nhất là phí vận tải tăng nên buộc phải tăng giá theo.

Nếu giá cả tăng thì bữa cơm ít ỏi của công nhân sẽ càng đạm bạc hơn. Ảnh: Đặng Loan


Các siêu thị trên địa bàn cho biết đã nhận đề nghị tăng giá của nhiều nhà cung cấp. Theo đại diện hệ thống siêu thị Co.opMart, các đề nghị tăng giá chủ yếu tập trung vào 3 ngành hàng gồm may mặc, hóa mỹ phẩm và đồ gia dụng với mức tăng trong khoảng 4-10%. Siêu thị Citimart cũng cho biết đã nhận được đề nghị tăng giá của khoảng 100 nhà cung cấp ở các ngành hàng thực phẩm chế biến, gia dụng, hóa mỹ phẩm… với mức tăng 5-15%. Siêu thị Maximark thì nhận được thông báo tăng giá của khoảng 20 trong tổng số khoảng 2.000 nhà cung cấp với mức tăng trung bình 5%… Thời gian đề nghị tăng giá là khoảng cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Lý do tăng giá được các nhà cung cấp đưa ra là do giá xăng tăng, giá gas, nguyên vật liệu, chi phí nhân công… đều tăng.

Theo đại diện các siêu thị, sức mua thị trường vẫn đang yếu trong khi việc tăng giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mua nên các đơn vị này hết sức cân nhắc các đề nghị tăng giá. Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc chuỗi Co.opMart, nếu lý do và giá cả các nhà cung cấp đưa ra không hợp lý thì siêu thị này sẽ không đồng ý tăng giá; còn nếu lý do hợp lý thì Co.opMart sẽ đàm phán với nhà cung cấp để có chính sách cùng chia sẻ với người tiêu dùng, đồng thời áp dụng tăng giá theo lộ trình. Còn theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại của BigC, hệ thống siêu thị này sẽ từ chối những đề xuất điều chỉnh giá không hợp lý. Những mặt hàng đề nghị tăng giá cao, không có lý do chính đáng sẽ bị siêu thị hủy bỏ và tìm những mặt hàng thay thế hoặc các nhà cung cấp mới có hàng hóa tương đương với giá cạnh tranh hơn. Với những mặt hàng buộc phải tăng giá, siêu thị sẽ thương lượng để điều chỉnh giá thấp nhất và thời gian chậm nhất có thể.

Dù thị trường đang rục rịch tăng giá, nhưng giá cả tại các siêu thị vẫn đang tương đối bình ổn. Theo ông Nguyễn Thành Nhân, việc thị trường tăng giá sẽ không ảnh hưởng đến giá các mặt hàng Co.opMart đã công bố trong chương trình khuyến mãi "Tự hào hàng Việt", vốn giảm giá sâu và giảm trực tiếp trên nhiều mặt hàng thiết yếu. Còn BigC, bắt đầu từ tuần tới sẽ tổ chức chương trình tôn vinh vẻ đẹp Việt, là chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm nên sẽ có hàng ngàn mặt hàng giảm giá mạnh. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng tiếp tục giữ giá 300 sản phẩm thiết yếu trong kỳ khuyến mại từ tháng 7 cho đến ngày 1-11 với cam kết giá bán rẻ nhất trên thị trường. Giá cả nhiều siêu thị khác như Citimart, Maximark… cũng bình ổn vì đang thực hiện chương trình Tháng khuyến mãi của TP.

Dù các siêu thị đang nỗ lực kiềm chế giá nhưng hệ thống phân phối hiện đại chỉ mới chiếm khoảng 20% của thị trường bán lẻ nên sẽ không thể chi phối thị trường. Thế nên, nếu một làn sóng tăng giá mới xảy ra, nhất là trong điều kiện khó khăn hiện nay sẽ khiến rất nhiều gia đình lo lắng và phải tính lại chi tiêu theo hướng tiết giảm nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá cả lại rục rịch tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.