Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ghi dấu hồn thiêng đất Việt

Yên Nga| 16/07/2014 07:01

(HNM) - Triển lãm ảnh, tư liệu, hiện vật


Những tư liệu thiêng liêng


Triển lãm gồm 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, giúp cho các thế hệ người Việt thêm hiểu biết về một phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước trước đây, hiện tại và tương lai. Chúng được trưng bày theo 3 phần chính. Phần một: "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" là những hình ảnh, tư liệu đã từng được giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử quân sự, gồm có một số Châu bản triều Nguyễn xác lập và triển khai nhiều hành động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; thư tịch cổ về Hoàng Sa, Trường Sa được tập hợp thành sách; hệ thống bản đồ của Nhà nước phong kiến Việt Nam, của phương Tây và Trung Quốc từ thế kỷ XIX, XX đều cho thấy rõ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Có một số tư liệu mới sưu tầm được công bố lần này rất đáng quý là: Giấy khai sinh của bà Mai Kim Quy sinh ra ở Hoàng Sa do cơ quan hành chính Pháp đặt tại Hoàng Sa cấp năm 1940; Nghị định số 3282 ra ngày 5-5-1939 của Toàn quyền Đông Dương về việc chia quận hành chính Hoàng Sa thành hai quận hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên.



Phần hai: "Bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa" đem đến cho người xem những cảm xúc mạnh về quá trình đấu tranh kiên cường của quân dân ta để bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa qua các thời kỳ. Nhiều hình ảnh, hiện vật trưng bày có giá trị lịch sử lớn như: Máy thông tin PRC 25 do cán bộ, chiến sĩ tàu 673 Lữ đoàn 125 thu được đã sử dụng để chuyển, nhận lệnh giải phóng đảo Sinh Tồn ngày 28-4-1975; biển ngụy trang tàu AJ01F của Lữ đoàn 125 Hải quân đã chở bộ đội Trung đoàn 126 Anh hùng đổ bộ lên giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; ống nhòm của các chiến sĩ quan sát bảo vệ đảo Trường Sa năm 1988; cáng thương chuyển cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh bảo vệ quần đảo Trường Sa năm 1988… Đặc biệt, triển lãm có những hình ảnh, hiện vật mới của lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ pháp luật trên Biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981vào sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong đó có những mảng tàu, boong tàu, mạn tàu của tàu CSB 2012, 2016 bị tàu Trung Quốc đâm hỏng.

Phần thứ ba: "Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế" thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tình cảm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân, các tổ chức xã hội, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế với hai quần đảo này. Trong đó có những hình ảnh, phong trào, chương trình cổ vũ, động viên hiệu quả: "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa", "Góp đá xây dựng Trường Sa", "Triệu trái tim hướng về biển đảo quê hương".

Ký ức Hoàng Sa dội về

Ông Trần Quân Bảo, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng) có mặt ở triển lãm từ rất sớm trong bộ quân phục giản dị. Ông là người được biết đến như một nhân chứng sống khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam bởi ông và gia đình đã sống trên một đảo ở Hoàng Sa từ năm 1938 đến năm 1940. Sau những câu chuyện kể với báo giới về khoảng thời gian khi ông 5-6 tuổi sống ở Hoàng Sa, ông Bảo lại chậm rãi xem từng tấm ảnh, tư liệu trong triển lãm và dừng bước khá lâu ở phần trưng bày các bức ảnh về Hoàng Sa. Trong đó, có bức "Khu đồn trú của lính địa phương quân Việt Nam Cộng hòa trên đảo Hoàng Sa" (ảnh chụp năm 1959), "Khu hành chính của quân đội chính quyền Việt Nam Cộng hòa trên đảo Hoàng Sa", ký ức ở Hoàng Sa ngày đó lại dội về.

Ông Bảo chia sẻ: "Ngày tôi ở đây cây cối chưa cao như thế này, nhà cửa cũng chưa được khang trang đến thế, nhưng nói chung là cũng khá đông người ở". Ông cho rằng, ký ức của một đứa trẻ 5-6 tuổi đủ để ông nhớ là khi đó gia đình ông sống trên một trong hai đảo chính thuộc quần đảo.

Tin chắc, công chúng khi đến với triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam", tất thảy đều có chung một cảm xúc tự hào về hai quần đảo thiêng liêng của đất nước đã và đang được gìn giữ, bảo vệ qua bao thế hệ. Tới đây, họ cũng sẽ thu nạp được những kiến thức mới để có thể góp phần nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ghi dấu hồn thiêng đất Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.