Theo dõi Báo Hànộimới trên

GDP tăng 7,08%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011

Hồng Sơn| 28/12/2018 06:26

(HNM) - GDP quý IV tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước; GDP cả năm 2018 tăng 7,08% so với năm 2017, là mức tăng cao nhất từ năm 2011 đến nay.

Năm 2018, Việt Nam đạt xuất siêu trên 7 tỷ USD. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Giày Bình Tiên (Biti's).


Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản đóng góp 8,7%; khu vực công nghiệp - xây dựng đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ đóng góp 42,7% vào mức tăng trưởng chung. Như vậy, nền kinh tế tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu đề ra, chất lượng tăng trưởng được cải thiện và đạt nhiều kết quả khả quan. Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng nhờ duy trì tốc độ tăng trưởng khá. GDP theo giá hiện hành năm 2018 đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần quy mô GDP năm 2011. GDP bình quân đầu người năm 2018 ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,2% so với năm trước, với một số ngành có mức tăng trưởng cao như chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước...

Đặc biệt, năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.478 nghìn tỷ đồng; tăng 3,5% về số doanh nghiệp, 14,1% về vốn so với năm 2017. Ngoài ra, có hơn 34.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả năm đạt hơn 4.395 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm trước. Cả nước đã đón 15,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 19,9%.

Vốn đầu tư xã hội năm 2018 đạt 1.856 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước. Riêng vốn đầu tư nước ngoài đạt 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% của năm trước; giải ngân đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm trước và có 29 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Nền kinh tế đã xuất siêu 7,2 tỷ USD giá trị hàng hóa năm 2018.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, đạt được kết quả trên là do sự chỉ đạo đúng hướng của Chính phủ, các ngành, các cấp và nỗ lực của các doanh nghiệp... Đặc biệt, lượng vốn đầu tư đổ vào nền kinh tế tăng mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, xây dựng hạ tầng...

Cũng theo ông Nguyễn Bích Lâm năm 2019 nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8%, nhưng tiếp tục đối diện với một số khó khăn, như diễn biến kinh tế thế giới vẫn phức tạp; mức độ cạnh tranh gia tăng, giá dầu có thể thất thường, năng lực sáng tạo của doanh nghiệp chưa cao... Vì thế cần xác định một số động lực mới cho tăng trưởng 2019 gồm: Mở rộng hội nhập quốc tế, nhất là việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân và làn sóng khởi nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như chuyển đổi cơ cấu nội bộ các ngành, trong đó có sự nổi lên của ngành chế biến và chế tạo; việc đưa vào hoạt động một số dự án, công trình quy mô lớn...

Về giải pháp, ông Lâm cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng; ứng dụng công nghệ cao và nâng cao khả năng sáng tạo của doanh nghiệp, kết hợp tăng năng suất lao động; tập trung thu hút vốn nước ngoài, nhất là các tập đoàn kinh tế có công nghệ cao; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy tiếp thu công nghệ hiện đại; chủ động thực hiện an sinh xã hội...

* Cùng ngày, Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2018 ước tăng 7,12% so với năm trước. Trong đó: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,28%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng 8,34%; ngành dịch vụ tăng 6,89%...

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn (theo giá hiện hành) tăng 10,6%; tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 9,5%... Năm 2018, thành phố thu hút tổng cộng 7,501 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng gấp hơn 2 lần năm 2017; trong đó, cấp mới 616 dự án với vốn đầu tư đăng ký 5,03 tỷ USD...

Hà Nội cũng có thêm 25.740 doanh nghiệp thành lập mới; tăng 5% so với năm trước. Tổng vốn đăng ký đạt 280 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2017.

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 14.233 triệu USD, tăng 21,6% so năm 2017.

* Cùng ngày, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 12 giảm 0,25% so với tháng trước và CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với năm trước. Như vậy, nền kinh tế đã thành công trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Cụ thể, có 8 nhóm hàng tăng so với tháng trước; 2 nhóm hàng giảm. Riêng nhóm giáo dục không thay đổi. Trong khi đó, giá vàng tăng 0,41% và giá đô la Mỹ giảm 0,07% so với tháng trước.

* Cùng ngày, Cục Thống kê Hà Nội cũng công bố CPI trên địa bàn tháng 12 giảm 0,31% so với tháng trước. CPI bình quân năm 2018 tăng 4,22% so với bình quân năm 2017. Trong tháng này có 4/11 nhóm hàng có chỉ số giảm; các nhóm còn lại tăng thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GDP tăng 7,08%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.