Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gần Tết vẫn chưa hết lo (Tiếp theo và hết)

Hoa - Nhi| 15/01/2014 06:18

(HNM) - Mặc dù các cấp, sở, ngành, tổ chức công đoàn đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để chăm lo, hỗ trợ cho NLĐ đón Tết được chu đáo, an vui, song thực tế, đích đến xem ra vẫn còn khá gian truân.


Có thưởng cũng… vẫn lo

Theo ghi nhận của chúng tôi từ nhiều nhà quản lý, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể và cả NLĐ, việc chi trả tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ theo Nghị định 182/2013/NĐ-CP của Chính phủ được thực hiện khá đầy đủ, song mức lương tăng thêm đó không thấm vào đâu so với đời sống vốn khá khó khăn của CNLĐ. Và đáng ngại hơn là ngay cả ở những nơi đã có thưởng Tết thì NLĐ vẫn chưa hết âu lo. Anh Phạm Văn Hùng, công nhân Công ty Still Centrer (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) chia sẻ, năm nay dù khó khăn song DN vẫn có thưởng Tết cho công nhân. Tuy nhiên, mức thưởng giảm gần 30% so với năm trước. Với mức lương 5 triệu đồng/tháng (là mức khá so với anh em trong công ty) cộng với số tiền thưởng Tết vài triệu, Hùng và các bạn đồng nghiệp vẫn không khỏi lo lắng, vì số tiền đó không thể đủ chi tiêu mua sắm Tết cho cả gia đình ở mức tối thiểu khi giá các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm có nguy cơ tăng hơn nữa trong những ngày giáp Tết.

Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, dù đã gửi công văn đến tất cả các công đoàn cơ sở yêu cầu lập và gửi thông báo lương, thưởng Tết cho NLĐ, nhưng tại thời điểm này, vẫn còn rất nhiều DN chưa báo cáo, công bố mức thưởng Tết cho NLĐ. Tương tự, khi chúng tôi hỏi một số lãnh đạo các sở, ngành, LĐLĐ các quận, huyện về vấn đề này, có người né tránh, có người chỉ nói chung chung vẫn đang chờ DN cân đối ngân sách thì mới công bố mức thưởng…

Một thực tế khác, quy định tăng lương tối thiểu vùng là lộ trình đã được cân nhắc và thông qua. Việc tăng lương phải bảo đảm cân bằng giữa hai yếu tố, một mặt nâng mức lương dần lên so với mặt bằng chung, bảo đảm đời sống và thu nhập tối thiểu của NLĐ, hướng mức lương tối thiểu tới việc đáp ứng mức sống tối thiểu. Do đó, các ngành chức năng cũng đã cân nhắc đến việc bảo đảm sự tồn tại cho DN, cân đối quyền lợi giữa NLĐ và DN. Nhưng trên thực tế, những việc đó chỉ được thực hiện ở những DN lớn, còn lại, đa số DN vừa và nhỏ đứng trước khó khăn đã làm ngơ, thậm chí "bỏ quên" quyền lợi NLĐ.

Để "biến" ước mơ thành hiện thực

Theo báo cáo nhanh của Sở LĐ-TB&XH, đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, tiền lương bình quân năm 2013 của NLĐ là 4.320.000đồng/ người/tháng, tăng 4,6% so với năm trước. Khối DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, tiền lương bình quân năm 2013 của NLĐ là 4.680.000đồng/ người/tháng, tăng 1,7% so với năm trước. Khối DN tư nhân, công ty cổ phần không có vốn Nhà nước, tiền lương bình quân năm 2013 của NLĐ là 4.090.000đồng/người/tháng, tương đương so với năm trước. Với khối DN FDI, tiền lương bình quân năm 2013 của NLĐ là 4.360.000đồng/tháng, tăng 4,5% so với năm trước. Tuy nhiên, lương tăng thì giá tăng, nên cuộc sống của NLĐ vẫn chưa được bảo đảm. Thu nhập bình quân của NLĐ không tương xứng cường độ, thời gian họ bỏ ra, là một trong những nguyên nhân khiến họ càng lo lắng khi Tết đang đến rất gần.

Trên thực tế, việc tăng lương thực hiện đúng vào thời điểm cuối năm âm lịch, khi mà NLĐ chuẩn bị được nhận tiền thưởng Tết là nhằm tạo điều kiện cho họ có thêm một khoản để chi tiêu. Theo quy định, DN khi trả lương tối thiểu mới cho NLĐ không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương do NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, tiền lương hoặc phụ cấp làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật… Nhưng đâu đó xuất hiện vi phạm, DN tự ý cắt những khoản thu nhập chính đáng của NLĐ. Nhằm khắc phục tình trạng này, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Bộ vừa có Thông tư số 33/2013 hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc ở các DN, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình... đồng thời yêu cầu, khuyến khích các DN áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Còn theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, đối với lao động nghèo tại các khu công nghiệp và chế xuất, hiện không có hình thức hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bằng các chương trình xã hội hóa từ phía DN, tổ chức đoàn thể, chính quyền vẫn sẽ bảo đảm cho NLĐ thu nhập thấp có quà Tết, hỗ trợ vé xe miễn phí. Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội: Để bảo đảm cho NLĐ có Tết, Sở đã chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện cùng với công đoàn các cấp chăm lo đời sống cho NLĐ, nhất là lao động ở lại các khu chế xuất, khu công nghiệp trong những ngày Tết.

Rõ ràng là trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung như hiện nay, NLĐ chưa được thỏa mãn nhu cầu về một cái Tết đầm ấm, đủ đầy. Song về phía các cơ quan có thẩm quyền, nhà chức trách đều đã dành sự quan tâm, chăm lo một cách tốt nhất.

Theo báo cáo nhanh về tình hình lương, thưởng Tết năm 2014 của một số DN trên địa bàn Hà Nội: Đối với Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu mức thưởng bình quân 3.120.000đồng/người, giảm khoảng 3,5% so với năm trước; khối DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước mức thưởng bình quân: 3.130.000đồng/người, giảm 1,6% so với năm trước; khối DN tư nhân, công ty cổ phần không có vốn Nhà nước mức thưởng bình quân: 3.700.000đồng/người, giảm 1,2% so với năm trước; khối DN FDI mức thưởng bình quân: 3.720.000đồng/người, tương đương năm trước.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gần Tết vẫn chưa hết lo (Tiếp theo và hết)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.