Dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, sản phẩm
|
Đi tìm hiểu về việc có hay không sự trà trộn này, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã tiến hành một khảo sát nhanh về quy trình từ chăn nuôi đến xuất bán gà Yên Thế ra thị trường, đến tay người tiêu dùng.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
Quan sát tại các hộ gia đình chăn gà đồi tại Yên Thế cho thấy công tác đào tạo, tập huấn khoa học – kỹ thuật cho người nuôi gà được đặc biệt chú trọng. Phần lớn hộ chăn nuôi gà tại tỉnh Bắc Giang đều có kinh nghiệm, kiểm dịch và tuân thủ quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Xuân Vượng, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết, các hộ gia đình nuôi gà thương phẩm trong huyện đều được đào tạo kiến thức về thú y, 100% đàn gia cầm phải được tiêm phòng đầy đủ các loại văcxin, có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ, cơ quan thú y từ khâu chăn thả đến vận chuyển, chế biến. Huyện cũng yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lực lượng thú y và các xã, thị trấn khuyến cáo nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
Đồng thời, tất cả các hộ gia đình chăn nuôi gà đồi đều phải ký cam kết và thực hiện đúng quy trình chăn nuôi, dưới sự giám sát của cán bộ thú y thôn, bảo đảm gà đủ tuổi (khoảng 4 - 5 tháng) mới được xuất bán.
Gắn bảo đảm cho sản phẩm gà xuất chuồng
Bên cạnh đó, huyện còn triển khai dán tem đối với gà đã giết mổ. Còn đối với gà lông, sau khi kiểm dịch xong, đưa vào lồng, tiến hành kẹp chì, dán lô gô mới được lưu hành ra thị trường.
Trong thời gian tới, gà Yên Thế sẽ có loại lồng riêng khi vận chuyển và dán tem (có giá trị 1 lần), việc gắn mác chỉ được thực hiện đối với các sản phẩm đạt chất lượng để bảo đảm uy tín thương hiệu và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Lập chốt kiểm soát, đường dây nóng
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hải cho biết, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng gà Yên Thế, để kiểm soát gà lậu trà trộn, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan của thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, nắm bắt các tụ điểm tập kết gia cầm nhập lậu trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tiến hành lập các chốt kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường vận chuyển chính nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc theo quy định của pháp luật.
Sở Công Thương Bắc Giang còn lập đường dây nóng, cung cấp thông tin, theo dõi tổng hợp tình hình tiêu thụ "Gà đồi Yên Thế" và hàng tuần báo cáo UBND tỉnh.
500 tổ liên gia giám sát lẫn nhau, ngăn trà trộn gà
Về phía huyện Yên Thế, các tổ công tác liên ngành thường xuyên thực hiện tuần tra 24/24h để kiểm soát việc lưu thông sản phẩm gà đồi. Đồng thời, huyện cũng yêu cầu cán bộ thú y xã, thú y thôn kiểm soát chặt chẽ đàn gà trong tỉnh cả về số lượng, ngày tuổi, ngày xuất bán, lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của nhân dân về các hành vi vận chuyển, lưu thông gà không bảo đảm chất lượng.
Đặc biệt, trong huyện có hơn 500 tổ liên gia, thực hiện liên kết sản xuất, cũng như thực hiện giám sát lẫn nhau để bảo đảm không thể có hộ nào trà trộn gà kém chất lượng với gà đồi Yên Thế bán ra thị trường.
Hiện tại, tổng lượng Gà đồi Yên Thế nhập về Hà Nội khoảng 7 tấn/ngày qua chợ đầu mối Hà Vĩ và doanh nghiệp ở chợ Bắc Thăng Long nhập 2,5 -3 tấn/ngày.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện cơ quan chức năng đang kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh gà ở các chợ đầu mối, siêu thị. Tại chợ Hà Vĩ, sau khi kiểm tra, kiểm soát gắt gao đã không có việc gà lậu đội lốt gà đồi Yên Thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.