(HNM) - Hà Nội được đánh giá là đang trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng", với số người trong độ tuổi lao động (LĐ) từ nay đến năm 2020 chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, chính lực lượng đông đảo này cũng tạo ra áp lực về việc làm cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Để trả lời câu hỏi: Đâu là cơ hội, đâu là thách thức trong mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm và giảm thất nghiệp? Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội.
Áp lực người nhập cư và chất lượng nguồn nhân lực
- Năm 2015, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 148.000 người và chỉ tiêu năm 2016 là 150.000 người. Liệu chỉ tiêu năm nay có cao không khi cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thưa ông?
- Hà Nội có hơn 7,5 triệu người, trong đó khoảng 4,6 triệu người trong độ tuổi LĐ. Hằng năm, thành phố có gần 80.000 người bước vào tuổi LĐ. Lượng cầu LĐ nhìn chung tăng đều hằng năm, vì ngoài LĐ tại chỗ còn có một lượng lớn LĐ từ các địa phương khác di cư về Hà Nội tìm việc làm. Trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ nhập cư vào Hà Nội khoảng 0,8%/năm, tương ứng 30.000 - 35.000 người. Đây là áp lực lớn đối với công tác giải quyết việc làm của thành phố. Để đạt được mục tiêu duy trì tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức dưới 4% đồng nghĩa với việc mỗi năm phải tạo cho được 150.000 vị trí việc làm.
Mặc dù cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, song trong thời gian qua cũng như sắp tới, nhiều giải pháp sẽ được triển khai như: Hỗ trợ đầu tư sản xuất, tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển thị trường LĐ… Những giải pháp đồng bộ này tạo cơ sở quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm. Mặt khác, để hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nội đang đẩy nhanh quá trình cải cách để chuyển sang cơ cấu kinh tế chiều sâu. Đây cũng là điều kiện để thị trường LĐ được mở rộng, tạo cơ hội cải thiện cơ cấu nguồn nhân lực, giải quyết việc làm. Vì vậy, dự báo đến năm 2020, thị trường LĐ của Thủ đô vẫn rất sôi động.
- Nhìn chiều thuận là như vậy. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vấn đề giải quyết việc làm trong thực tế còn không ít khó khăn. Là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố về vấn đề này, Sở LĐ-TB&XH nhìn nhận những khó khăn cụ thể thế nào?
- Khó khăn có thể nhìn thấy rõ là số LĐ được giải quyết việc làm hằng năm tăng song nhu cầu tìm việc làm của người LĐ vẫn còn rất lớn do tốc độ đô thị hóa nhanh, số người bước vào độ tuổi LĐ hằng năm ngày càng cao. Công tác quản lý LĐ, nhất là LĐ ngoại tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa tương xứng với thị trường LĐ. Công tác xuất khẩu LĐ những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn do tâm lý kén chọn việc làm, kén chọn thị trường.
Một hạn chế nữa là hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm thiếu sự gắn kết trong hoạt động, đặc biệt là trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về thị trường LĐ. Chưa kể, đội ngũ cán bộ làm công tác LĐ việc làm còn thiếu về số lượng, hạn chế về nghiệp vụ.
- Hạn chế đã được chỉ ra. Vậy theo ông, giải pháp khắc phục như thế nào?
- Trước những hạn chế đó, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có việc triển khai thu thập thông tin cung cầu LĐ, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường LĐ thành phố. Đây là cơ sở cho công tác dự báo ngắn và trung hạn về thị trường, cung cấp thông tin cho người LĐ, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó là việc đầu tư nâng cấp hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, điểm giao dịch việc làm vệ tinh của thành phố; tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người LĐ về chính sách xuất khẩu LĐ và tập trung đào tạo ngoại ngữ cho LĐ xuất khẩu.
Ngoài các biện pháp về mặt quản lý nhà nước, Hà Nội còn đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tập trung xây dựng các trường nghề chất lượng cao. Sở LĐ-TB&XH cũng chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật LĐ, xây dựng mối quan hệ hài hòa ổn định trong doanh nghiệp.
Đổi mới quản lý nhà nước, chuẩn hóa dạy nghề
- Để nâng cao số lượng LĐ có việc làm trong xu thế hội nhập quốc tế, việc cần làm đầu tiên là nâng cao chất lượng tay nghề của người LĐ, đặc biệt là LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Công tác đào tạo nghề của Hà Nội có thể đáp ứng được đòi hỏi này như thế nào?
- Tính đến thời điểm này, trên địa bàn Hà Nội có 320 cơ sở dạy nghề, trong đó 99 đơn vị là cơ sở dạy nghề công lập; 221 đơn vị là cơ sở dạy nghề ngoài công lập (chiếm 69% trong tổng số cơ sở dạy nghề). Thời gian gần đây, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố trung bình mỗi năm tuyển sinh và đào tạo 150.000 lượt người (cao đẳng nghề chiếm 8,35%; trung cấp nghề chiếm 10,45%; sơ cấp nghề và đào tạo nghề dưới 3 tháng chiếm 81,2). Nhìn chung, chất lượng đào tạo nghề qua các năm đã dần nâng cao. Minh chứng là tại các kỳ thi tay nghề quốc gia và quốc tế (năm 2013, 2014, 2015), nhiều thí sinh Hà Nội đã đạt được thành tích xuất sắc, đóng góp một phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố.
- Theo chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 phải thực hiện đổi mới cơ bản, mạnh mẽ quản lý nhà nước về dạy nghề, nhằm tạo động lực phát triển dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Vậy đến nay, việc chuẩn hóa về dạy nghề ở Hà Nội đang ở giai đoạn nào, thưa ông?
- Hà Nội đã và đang xây dựng một nguồn nhân lực đa dạng, được đào tạo cơ bản, góp phần đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội để thành phố của chúng ta trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, ngang tầm khu vực. Thành phố đã và đang triển khai một số nội dung như: Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Tập trung đầu tư phát triển hai trường dạy nghề chất lượng cao là Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp và Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, hai trường này còn được đầu tư về con người như đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên dạy nghề các trường dạy nghề công lập...
- Vậy, công tác xã hội hóa dạy nghề ở Hà Nội thì sao, thưa ông?
- Hà Nội đã cụ thể hóa bằng nhiều chính sách như Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 19-5-2015 cho phép các cơ sở dạy nghề được hưởng chính sách miễn thuế đất, cho thuê đất… tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tham gia vào lĩnh vực dạy nghề. Tính đến nay, đã có hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề với những nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng LĐ của doanh nghiệp cũng như của xã hội. Trong thời gian tới, công tác này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm huy động cũng như đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề theo hướng mở rộng, đầu tư phát triển các cơ sở dạy nghề với mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở dạy nghề; liên kết đào tạo với các cơ sở dạy nghề nước ngoài có uy tín; gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng; khuyến khích các doanh nghiệp dạy nghề tại cơ sở sản xuất một cách hiệu quả.
- Một mảng rất quan trọng và được triển khai từ nhiều năm nay là Đề án Đào tạo nghề cho LĐ nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủ. Thực hiện đề án này, thành phố đưa ra kế hoạch năm 2016 đào tạo nghề cho 30.490 LĐ nông thôn. Tuy nhiên, đến hết tháng 6-2016, mới tổ chức các lớp đào tạo nghề cho 5.000 LĐ, đạt 17% so với kế hoạch năm. Ông có thể cho biết nguyên nhân?
- Đúng là kết quả đào tạo nghề cho LĐ nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg trên địa bàn cấp huyện 6 tháng đầu năm 2016 còn thấp. Các quận, huyện, thị xã mới chỉ thực hiện xong công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo công tác tuyên truyền, tuyển sinh, làm các thủ tục để tổ chức lớp đào tạo nghề...
- Từ nay đến cuối năm không còn nhiều thời gian, vậy theo ông, kế hoạch đào tạo nghề cho 30.490 LĐ nông thôn năm 2016 có hoàn thành?
- Với chỉ tiêu đào tạo nghề được thành phố giao tại Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 5-2-2016, khả năng hoàn thành là rất có cơ sở. Tính đến thời điểm hiện tại đa số các quận, huyện, thị xã đã thực hiện xong công tác phê duyệt đặt hàng và đang làm các thủ tục khai giảng, tổ chức lớp đào tạo nghề cho LĐ nông thôn. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH với chức năng tham mưu sẽ tiếp tục đôn đốc các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện có hiệu quả, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, đúng quy định theo yêu cầu kế hoạch đã phê duyệt. Sở cũng phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện.
- Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm theo nhu cầu xã hội là một trong những chiến lược việc làm bền vững. Ông có thể cho biết một số giải pháp cụ thể để thực hiện chiến lược này?
- Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là một trong những giải pháp ưu tiên để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực. Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội sẽ nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND thành phố ban hành các chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề và chính sách ràng buộc doanh nghiệp trong tiếp nhận, tuyển dụng LĐ đã qua đào tạo vào làm việc. Doanh nghiệp cũng có thể phối hợp với các cơ sở dạy nghề bằng cách tham gia vào quá trình biên soạn chương trình, giáo trình, chấm thi thực hành; đào tạo theo đơn đặt hàng có sử dụng nguồn lực tại chỗ về trang thiết bị của doanh nghiệp; mời các chuyên gia kỹ thuật, công nhân kỹ thuật bậc cao, lành nghề trong doanh nghiệp tham gia dạy thực hành trong các trường nghề… Đến thời điểm hiện tại đã xuất hiện một số điểm sáng, mô hình hay với cơ chế 3 bên như vậy, điển hình là Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội, Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội... Với cách làm này, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm chiếm trên 80%, cá biệt đối với nhóm nghề cơ khí, kỹ thuật tỷ lệ này là 100%.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.