Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Em trong anh như hơi thở cuộc đời”

Đặng Huy Giang| 08/02/2023 08:10

(HNMCT) - Có một câu thơ của nhà thơ nước ngoài, đọc lên thấy nghẹn lòng: “Chưa nói yêu nhau mà lòng đã đau”. Phải chăng đó là bi kịch muôn thuở của tình yêu? Nhà thơ Nguyễn Văn Khôi cũng có một tứ thơ lạ với “Giữa hoa”, tác phẩm trong chùm thơ 5 bài (“Lời cảnh báo”, “Giữa hoa”, “Những câu hỏi”, “Game”, “Zin”) đoạt giải nhì cuộc thi thơ 2017 - 2018 của Tạp chí Nhà văn.

Nguyễn Văn Khôi trân trọng tình yêu đến mức mà khi chỉ rơi vào tình thế “thuyền trôi trong đầm sen” đã “e bóng hoa rạn vỡ”, đã “ngại sắc hoa lụi tàn”. Rồi trong tình thế ấy, ông mường tượng ra: “Gì như là dịu êm/ Những cánh hồng mỏng mảnh/ Gì như là xa vắng/ Cho lòng người nhói đau”. Từ “cảnh” đến “tình”, bài thơ bắt đầu có “sự” từ câu: “Cho lòng người nhói đau”. Từ câu thơ này, hai câu kết: “Hẹn nhau ở kiếp sau/ Nói một lời gan ruột” đã đẩy tứ thơ lên một tầng nấc khác. Ở giữa hoa, cũng có thể hiểu là ở giữa tình yêu. Và, trong văn cảnh này, hình như tình yêu đã bất chợt lên ngôi, cũng chưa bao giờ đẹp, bao giờ buồn và bao giờ mong manh đến thế!

Đến “Cám ơn mình” (NXB Hội Nhà văn, năm 2023), đề tài tình yêu và những gì liên quan đến tình yêu tiếp tục trở lại với Nguyễn Văn Khôi - đậm đặc hơn, đầy ứ hơn, dồn nén hơn và cũng nhiều tâm sự hơn. Cảm giác Nguyễn Văn Khôi muốn “chia ra” và “nhân lên” trong tình yêu là rất rõ. Ở đây, “chia ra” cũng chính là “nhân lên” và nhiều khi “nhân lên” cũng chính là “chia ra”. Hai thao tác hoặc hai hiện tượng này, xét cho cùng diễn ra cùng lúc và chỉ là một.

“Chạm vào truyền thuyết” là một bài thơ độc đáo nhắc đến cuộc tình duyên kỳ ngộ và lãng mạn có một không hai giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử thuở xa xưa, chỉ có trong huyền thoại. Bài thơ chỉ có 12 câu mà có đến 3 cặp lục bát đáng nhớ: “Mênh mang giữa chốn đất trời/ Người cùng tiên đã xe đôi tơ hồng”; “Bây giờ bàng bạc gió đông/ Sắc trời ửng với mây hồng thủy chung”, “Sông còn in bóng cơn mưa/ Bến này liệu có đón đưa tình này?”.

“Nắng tháng ba” là bài thơ có tâm trạng, chính xác hơn là những khoảnh khắc bừng rộ của tâm trạng, dấu ấn của tâm trạng. Những câu: “Bông bưởi trắng thoảng hương loang trong gió/ Mắt ai buồn nhòa trong tiếng chuông ngân”“Rách mấy lần sao chưa lành được/ Năm tháng vô tình nhắc mãi những cơn đau” dễ tạo ra những khắc khoải, buồn thương.

“Em ru em” là một bài thơ hay ở cách nói. “Em ru em với trăng rằm/ Cùng ai đốt cháy tháng năm một lần” là chi tiết thơ hay. Có lẽ, chỉ cần chi tiết này thôi là tứ thơ đã đủ sức đứng vững trong lòng người đọc. Ở đây, không đơn giản chỉ có em ru em mà em còn ru cả ai đó, ru cả vầng trăng để được một lần biến thời gian thành tro bụi.

“Em đâu rồi” là bài thơ ngoái nhìn quá khứ một cách tiếc nuối. Nhưng đó là “ký ức còn xanh” làm “tim đau nhói”, khiến “lòng chênh vênh trống trải”. “Ký ức còn xanh” ấy còn mãi như là sự vĩnh cửu của tình yêu: “Đã qua rồi, những tháng năm còn lại/ Tuổi hai mươi bỏng cháy trái tim mình”.

“Khát khao” sở hữu nhiều câu thơ đẹp một cách gợi cảm, lãng mạn, mờ ảo. Đó là “Tay thon cầm nỗi dịu êm/ Miền men cơi lửa gọi đêm bồi hồi”. Đó là “Mắt môi bảng lảng khói trời/ Xuân em gieo hạt xanh tôi mỗi ngày”. Đó là “Hương em, em giấu tóc mây/ Tình tôi em giấu đâu đây bồng bềnh”.

Trong vệt thơ này, Nguyễn Văn Khôi còn nhiều bài thơ đáng nhớ. Một lần nữa vẻ đẹp tự nhiên và bí ẩn của tình yêu lại bừng thức trong “Giấu vào tóc em”, “Nếu vắng anh”, “Em như một thản nhiên”, “Mình ơi”, “Tự thú”... Những câu “Có một ngày mình thấy chơi vơi/ Là ngày mình tìm nhau chẳng thấy”, “Nỗi nhớ thương chen đè lên thương nhớ/ Cái yêu cứ chạm vào trăn trở/ Em trong anh như hơi thở cuộc đời” như khẳng định cái không cùng, không tận của tình yêu.

Với “Cám ơn mình”, Nguyễn Văn Khôi đã buông bỏ tâm trí, hầu như không vướng bận vào tâm trí để làm thơ, và chỉ hướng tới một chữ tình đắm đuối của riêng ông. Dường như người thơ đã hướng đến những gì trong trẻo nhất, đắm đuối nhất, chân thành nhất... để trở về vùng “giữa hoa” của riêng ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Em trong anh như hơi thở cuộc đời”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.