Theo dõi Báo Hànộimới trên

Duy trì ''vũ khí chiến lược''

Bắc Vũ| 19/06/2022 06:09

(HNM) - Hiện dịch Covid-19 ở nước ta đã được kiểm soát, hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân đã trở lại trạng thái bình thường.

So với thời điểm đỉnh dịch Covid-19, với hàng trăm nghìn ca mắc Covid-19 mỗi ngày, thì thời gian gần đây, số ca ghi nhận trong ngày đã giảm mạnh; số bệnh nhân nặng rất ít. Trung bình số ca nhiễm mới Covid-19 trong nước ghi nhận trong khoảng một tuần qua là hơn 700 ca/ngày.

Đánh giá về tình hình dịch hiện nay ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng nước ta đã đạt được miễn dịch cộng đồng, do tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, lượng người từng mắc bệnh lớn (tính đến nay có hơn 10,7 triệu ca nhiễm Covid-19; trong đó có hơn 9,5 triệu bệnh nhân đã khỏi bệnh). Trước diễn biến này, nhiều người có tâm lý chủ quan, cho rằng dịch Covid-19 đã được kiểm soát trong khi bản thân có miễn dịch thì không cần thiết tiêm vắc xin mũi nhắc lại (mũi 3 hoặc mũi 4). Điều này dẫn đến tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương diễn ra chậm. Có tình trạng một số nơi còn từ chối nhận hoặc đề nghị trả lại vắc xin đã được phân bổ trước đó.

Thực tế, để vượt qua đại dịch Covid-19, “vũ khí” quan trọng nhất là vắc xin. Do đó, cả trước mắt và lâu dài, nền tảng xuyên suốt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn phải là bao phủ tiêm vắc xin. Trong đó, việc tiêm các mũi nhắc lại nhằm khôi phục khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đã bị suy giảm theo thời gian, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người lớn tuổi và người mắc bệnh nền, từ đó bảo đảm duy trì miễn dịch cộng đồng, kiểm soát dịch bền vững.

Với tầm quan trọng của vắc xin, trong chỉ đạo gần đây về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II-2022. Đối với tiêm mũi 4, các địa phương phải triển khai ngay theo hướng dẫn. Đặc biệt, khi sửa đổi thông điệp chống dịch, Bộ Y tế đã đề xuất từ “5K” (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) thành “V2K”, gồm 3 yếu tố quan trọng: Vắc xin - khẩu trang - khử khuẩn.

Yêu cầu đặt ra hiện nay là các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân không được lơ là, chủ quan trước dịch Covid-19. Ngành Y tế các địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh tiêm vắc xin mũi nhắc lại cho nhóm nguy cơ; bao phủ tiêm cho người lao động tại khu công nghiệp để duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh; tiêm cho trẻ em để bảo đảm an toàn sức khỏe phục vụ việc học tập trong năm học mới.

Song song với giải pháp vắc xin, ngành Y tế cần tiếp tục bám sát diễn biến dịch bệnh, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác, từ đó xây dựng phương án bảo đảm dự phòng y tế, mà trọng điểm là vắc xin phòng Covid-19, nhằm chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Hiện Omicron là biến chủng phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến chủng cuối cùng. Vi rút SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa và rất khó xác định. Vì thế, vắc xin tiếp tục được xem là “vũ khí chiến lược” trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, nhận thức rõ nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng vẫn có thể xảy ra nếu không tiếp tục duy trì các giải pháp chống dịch quan trọng như tiêm vắc xin, đeo khẩu trang, khử khuẩn… Và chỉ có sự hợp tác, vào cuộc tích cực của mỗi người dân mới mang đến hiệu quả lâu dài, bền vững cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Duy trì ''vũ khí chiến lược''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.