(HNMO) - Sáng 9-11, lần đầu tiên Quốc hội xem xét, thảo luận riêng về mục tiêu quốc gia bình đẳng giới. Nhiều đại biểu lo ngại khi gần 2/3 các chỉ tiêu, mục tiêu không đạt.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang). |
Có đoàn đại biểu Quốc hội hai nhiệm kỳ không có nữ
Phân tích về tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu, trong số 22 chỉ tiêu còn gần 2/3 là không đạt hoặc không đo đếm được.
Trong số này, có những chỉ tiêu hoàn toàn có thể định lượng được nhưng liên tiếp nhiều năm vẫn chưa thu thập được số liệu; có những chỉ tiêu rất quan trọng, thể hiện rõ thành tựu bình đẳng giới, nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ đã đạt như chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo quản lý.
Ngoài ra, một số chỉ tiêu đạt nhưng không phản ánh thực chất như chỉ tiêu giảm tỷ lệ phá thai (đang được đánh giá là đạt và vượt kế hoạch) nhưng đây mới là thống kê ở hệ thống y tế công, chưa phải là con số thực. Hơn nữa tỷ lệ phá thai ở Việt Nam vẫn rất cao so với thế giới, đặc biệt là phá thai ở tuổi vị thành niên.
Thậm chí, có những chỉ tiêu tuy đạt nhưng lại đang ở mức báo động, đáng lo ngại như chỉ số giới tính khi sinh. Báo cáo của Chính phủ cho biết, Việt Nam đang trong tầm kiểm soát nhưng thực tế đang đứng ở vị trí 140/144 nước, nghĩa là cuối bảng xếp hạng.
"Bức trần kính vô hình với bản chất là định kiến giới vẫn là rào cản không thấy, khó thấy và không dễ vượt qua. Thực tế ấy cho thấy 'đường xa, gánh nặng' trên tiến trình bình đẳng giới" - đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nói.
Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ). |
Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Lê Thị Yến cho rằng, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đang gia tăng và không đồng đều giữa các vùng miền. Năm 2006, tỉ lệ nam/nữ là 109/100, tăng lên nhanh vào năm 2013 là 113,8/100 và ước năm 2017 là 113/100.
“Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra mà không có biện pháp hữu hiệu thì theo dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, đến giữa thế kỷ này, Việt Nam thừa 2,3-4,3 triệu nam giới ở độ tuổi trưởng thành, gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững của đất nước, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nghiên cứu tại một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ đã chỉ ra rằng, nam giới đến tuổi kết hôn nhưng không lấy được vợ vì thiếu phụ nữ phải tìm cô dâu nước ngoài, làm tăng tội phạm về tình dục, tình trạng mại dâm, hiếp dâm... Đây là những hậu quả có thể phòng tránh được nếu chúng ta có ngay những giải pháp tích cực từ hôm nay” - đại biểu Lê Thị Yến phân tích.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề cập đến thực trạng số cán bộ nữ tham gia trong bộ máy lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền các cấp và trong hệ thống chính trị hiện đang rất khiêm tốn.
"Nguyên nhân do giữa nhận thức và hành động chưa có sự đồng hành; đặc biệt là quá trình tổ chức thực hiện chưa quyết liệt; thiếu thường xuyên, chưa cụ thể, thậm chí còn hình thức, có quy hoạch cơ cấu nữ vào bộ máy lãnh đạo, vào các cơ quan quản lý nhà nước, Quốc hội, hội đồng nhân dân, nhưng chỉ bảo đảm tỷ lệ % nữ, còn gắn vào vị trí thì chưa hiệu quả. Nhiều lãnh đạo các cấp khi xét duyệt quy hoạch đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm không chú trọng, quan tâm về giới nữ, thiếu tạo điều kiện cho nữ. Thực tế có đoàn đại biểu Quốc hội, hai nhiệm kỳ không có nữ, hoặc có những ngành, đoàn thể, ban cán sự, ban thường vụ không có nữ; có những sở, ngành không có nữ lãnh đạo. Vì thế mà 16/22 chỉ tiêu chiến lược Quốc gia bình đẳng giới đề ra không đạt" - đại biểu tỉnh Quảng Bình nêu.
Không để phụ nữ lùi lại phía sau
Phát biểu tiếp thu ý kiến đóng góp và tranh luận của 17 đại biểu Quốc hội trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, đây đều là những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và thiết thực. Chính phủ sẽ tiếp thu nghiêm túc và cụ thể hoá trong chương trình công tác thời gian tới.
"Dù thấy rằng còn nhiều khó khăn, yếu kém, nhất là ở nước ta định kiến về giới còn tồn tại dai dẳng, nhưng công tác bình đẳng giới thời gian qua đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ" - Bộ trưởng nêu.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. |
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục kiên định chỉ đạo thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, đồng thời tăng cường các giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu chiến lược bình đẳng giới đến năm 2020.
Chính phủ sẽ chú trọng tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phụ nữ, nhất là ở khu vực nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; tham gia vào các lĩnh vực lao động phi chính thức có hiệu quả, giúp nhau giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; nói không với bạo lực, xâm hại và không để phụ nữ lùi lại phía sau.
Với lực lượng phụ nữ tiên tiến, đặc biệt là phụ nữ tiên phong lĩnh vực kinh tế, là các doanh nhân, cần đẩy mạnh bình đẳng giới vì mục tiêu tăng trưởng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ, vừa, siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ; quán triệt đầy đủ chủ trương của Đảng trong công tác quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, đề bạt và sử dụng cán bộ nữ; tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực, thu hẹp khoảng cách về giới trong phát triển nhân lực.
Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế, nhất là người cao tuổi, đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn.
"Nhằm giải quyết một số vấn đề bức xúc mà các đại biểu Quốc hội đã nêu qua thảo luận, Chính phủ tập trung triển khai xây dựng một số chương trình, đề án để giải quyết vấn đề bạo lực, buôn bán, xâm hại phụ nữ và trẻ em; tình trạng nạo phá thai trong nữ thanh niên, vị thành niên; tình trạng việc làm thiếu ổn định, điều kiện lao động, điều kiện sống chưa tốt; những vấn đề như chính sách tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp; vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài và cận huyết thống...." - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.