Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên Cát Linh-Hà Đông của Hà Nội đưa vào vận hành, khai thác sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Đoàn tàu chạy qua đoạn hồ Hoàng Cầu. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Nhiều người cũng thắc mắc về mức giá vé, đại diện Metro Hà Nội cho biết, giá vé sẽ được Nhà nước hỗ trợ nên cũng sẽ không quá cao.
Giá vé cao hơn buýt 37%
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Hà Nội vận hành thế nào?” vào sáng nay (10-8), theo ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), hiện nay toàn tuyến đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng, đạt trên 96%, còn một số hạng mục xây dựng đang được hoàn thiện trong giai đoạn sau khi lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống thiết bị chuyên ngành.
Ban Quản lý dự án đường sắt đang chỉ đạo Tổng thầu Trung Quốc thực hiện căn chỉnh, chạy thử cho từng chuyên ngành được lắp đặt hoàn chỉnh. Ngày 1-8 vừa qua, ban đã tiến hành thử cấp điện từ dây tiếp xúc cho đoàn tàu.
Với phương pháp thử này, đoàn tàu đã được chạy trên toàn tuyến để kiểm tra nội dung cấp điện cho tàu; hệ thống thông tin, hệ thống tín hiệu và một số các công việc liên quan hệ thống tín hiệu như các hạ tầng điều khiển đoàn tàu, thiết lập tuyến và đường chạy cho đoàn tàu.
Đề cập về nhân sự vận hành đoàn tàu khi đưa vào khai thác, ông Phương cho biết, hiện nay, tất cả nhân sự được đào tạo cho dự án đã được đào tạo lý thuyết hoàn chỉnh đồng thời tiếp tục đào tạo, thực hành, sẽ tiếp nhận các chuyên ngành trong toàn dự án để sau khi dự án đảm bảo đủ điều kiện vận hành khai thác thì tiếp nhận lực lượng này.
“Sẽ có 681 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác. Trong đó, trực tiếp đào tạo lực lượng cho dự án là 651 có 201 người được đào tạo ở Trung Quốc, số còn lại được đào tạo ở Việt Nam, còn 30 nhân sự quản lý thông qua đào tạo. Lực lượng này được Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với tuyển dụng, đào tạo, tới đây sẽ được đưa lên tuyến trong giai đoạn vận hành”, ông Phương nói.
Nhìn nhận việc từ xe buýt thường lên BRT và tàu điện trên cao là bước tiến của văn minh nhân loại, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, với Hà Nội, chỉ một tuyến đưa vào khai thác chưa giải quyết được nhiều, nhưng là dấu hiệu cho một phương thức vận tải mới rất văn minh.
Ông Trường tiết lộ, qua khảo sát, 98% người dân được hỏi đều có biết đến dự án này. Cùng đó, 95% số người được hỏi cho biết sẽ phải đi ít nhất là một lần đi thử.
Về giá vé, theo khảo sát, đa phần người dân có thể chấp nhận đi tuyến này giá vé lượt cao hơn buýt thông thường từ 35-37%. Tuy nhiên, số đông người dân thích sử dụng vé tháng hơn và chấp nhận cao hơn 10-15% xe buýt.
Đề cập về giá vé cụ thể, theo ông Trường, mức giá vé là do UBND thành phố Hà Nội quyết định theo hướng làm sao để cạnh tranh với phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, giá vé sẽ được Nhà nước trợ giá nên cũng sẽ không quá cao.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã có một quy định khung về tiêu chuẩn thẻ vé. Vé đi metro, xe buýt phải cùng một khung công nghệ để có thể kết nối được với nhau, tiến tới có thể dùng cả cho đỗ xe và các phương tiện giao thông công cộng khác.
Không phải đối thủ cạnh tranh taxi, xe buýt
Khẳng định việc kết nối thuận tiện giữa đường sắt đô thị với các loại hình khác sẽ thu hút sự quan tâm và nhu cầu đi lại của người dân, ông Chu Quang Trung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho rằng, Dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có 34 tuyến buýt đang hoạt động, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội.
Sau khi đường sắt đô thị đi vào hoạt động, các tuyến buýt nói trên có vai trò cung cấp và giải tỏa tối đa hành khách của tuyến đường sắt đô thị tại các nhà ga, gom và cung cấp khách cho các tuyến buýt. Phương án đang được xây dựng là toàn bộ các nhà ga của tuyến đường sắt sẽ có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố.
Đoàn tàu chạy theo trục đường Nguyễn Trãi giúp giảm ùn tắc giao thông đô thị. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Ngoài việc kết nối xe buýt, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), đường sắt đô thị sẽ tiếp cận, kết nối với người đi bộ dọc hành lang tuyến; các phương tiện cá nhân khác như xe đạp, xe máy, ôtô bằng cách có điểm đỗ xe, gửi xe để đi đường sắt.
Đặt câu hỏi đến việc đường sắt đô thị khi đi vào vận hành sẽ “vét sạch” khách của xe taxi, xe buýt, đại diện các đơn vị này thừa nhận, đường sắt đô thị không phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Ông Hồ Quốc Phi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, muốn khai thác nhanh, mạnh hệ thống metro, các đầu cung cấp và giải phóng hành khách phải nhanh, muốn như vậy cần kết nối với các phương tiện vận tải công cộng khác, trong đó có cả taxi và cần có đường ra vào cho taxi đón, trả khách.
“Hà Nội sắp có một tuyến metro đầu tiên vận hành, nếu có 8 tuyến hoạt động, ùn tắc giao thông Hà Nội sẽ cải thiện lập tức”, ông Phi nhấn mạnh.
Bổ sung thêm, theo ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), với đường sắt này thì một lượng khách xe buýt chuyển lên đường sắt, chính đó là cơ hội cho buýt tăng hành khách.
Ông Nhật cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp để tránh tình trạng khách cần nhiều vé để di chuyển trên các tuyến, các loại hình giao thông công cộng.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được đóng điện lưới Quốc gia. (Nguồn: VNEWS)
Thừa nhận ý tưởng đưa tuyến buýt nhỏ vào hoạt động đã được Hà Nội tính tới, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, buýt nhỏ là tuyến buýt gom khách cho tuyến buýt khác và đường sắt đô thị.
“Thời gian tới, theo đề án giảm phương tiện cá nhân, việc tăng cường xe buýt gom là cần thiết. Do đó, Sở Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu đưa vào để phù hợp nhất", ông Tuấn chia sẻ.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến, ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến cuối năm 2018 mới khai thác thương mại. Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.