(HNMCT) - Hành vi ứng xử phản văn hóa ở nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua diễn ra khá nhiều, gây bức xúc trong cộng đồng. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, từ những gì đã diễn ra, điều quan trọng nhất chưa hẳn là nhận diện hành vi lệch chuẩn cụ thể và đưa ra ý kiến phê phán, mà nằm ở bài học về nhận thức chung và phương án hành động sau mỗi sự việc không tốt.
Như trong những ngày gần đây, nói về văn hóa ứng xử ở nơi công cộng, có một dạng hành vi phản cảm cần được lưu ý, trong thực tế đã được dư luận xã hội “mổ xẻ” khá kỹ. Đó là câu chuyện diễn ra vào cuối ngày 22-6, tại chung cư Gelexia Riverside nằm trên đường Tam Trinh thuộc địa bàn quận Hoàng Mai. Hai phụ nữ trung niên tới chung cư thăm người quen, một người dùng mũ bảo hiểm xe máy che camera an ninh để người còn lại tiểu bậy trong thang máy.
Hành vi đó nhanh chóng bị phát hiện, kết quả là chủ căn hộ mà hai vị khách nữ nói trên tới thăm đã phải đóng mức phạt 2 triệu đồng thay cho các vị khách của mình.
Cũng như những vụ sàm sỡ phụ nữ và trẻ em xảy ra trong thang máy, vụ tiểu bậy nói trên bị dư luận xã hội lên án quyết liệt. Giới báo chí, luật sư, đặc biệt là cộng đồng mạng phân tích sự việc, lên án hành vi, truy tìm tung tích những người “lớn tuổi rồi mà ý thức thua kém cả trẻ nhỏ”, đòi công khai danh tính của họ và cho rằng việc xác định mức phạt và đối tượng chịu phạt như thế là chưa thuyết phục... Tâm huyết, sự giận dữ như được dồn cả vào một việc cụ thể, những cá nhân cụ thể, như thể chiếc thang máy đang là chất xúc tác cho cơn giận bùng lên. Nhưng có phải là lửa giận bùng cháy rồi thôi, thay bằng sự nguội lạnh trước những hành vi “đồng dạng” đang diễn ra quanh mình?
Sự lên án là cần thiết, nhưng đừng quên rằng những gì vừa diễn ra trong thang máy chung cư Gelexia Riverside ở đường Tam Trinh cũng đã, đang và sẽ diễn ra ngoài kia, trên đường phố, trong siêu thị, ở bến xe, vườn hoa, công viên, hồ nước... Nạn tiểu bậy có thể được phát hiện dễ dàng ở nhiều nơi chứ không chỉ thang máy. Chất thải còn có rác, vốn có thể nhìn thấy ở khắp nơi. Hành vi phản cảm không chỉ là tiểu bậy, vứt rác bừa bãi, mà còn là gây tiếng ồn vượt mức quy định, không tuân thủ quy định về giao thông, là nói tục, là chen lấn, không xếp hàng... Không có lý do gì khiến chúng ta biểu lộ sự phẫn nộ trước một hành vi cụ thể trong thang máy nhưng lại thể hiện sự thờ ơ trước nhiều hành vi tương tự ở nơi khác.
Đô thị hóa, dòng chuyển cư, sự dịch chuyển thói quen ứng xử từ đề cao “cái ta” sang coi trọng “cái tôi”, chế tài không đủ mạnh, việc thực hiện luật chưa nghiêm... Những cách biện hộ đó có ý đúng, nhưng chưa đủ, và cũng chưa thể hiện được một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự xuất hiện phổ biến hành vi ứng xử lệch chuẩn ở nơi công cộng: Sự đồng lòng phê phán cái xấu ở mọi lúc, mọi nơi thay vì chỉ “lên đồng” trước một số điều (hay vụ việc) gây ảnh hưởng tới mình, diễn ra ở gần mình. Nói khác đi, sự hạn chế nằm ở nhận thức chung, tâm thế ứng xử thường trực là đấu tranh, phê phán hành vi phản văn hóa còn chưa rõ ràng.
Ngày 10-3-2017, UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 1665/QĐ-UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội (gọi tắt là Quy tắc ứng xử). Ở điều 3, chương II - “Quy tắc ứng xử chung”, có nêu những việc “nên làm”, trong đó có nội dung “đấu tranh, bảo vệ lẽ phải, người yếu thế; phê phán hành vi sai trái”. Phạm vi áp dụng Quy tắc ứng xử là nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội; đối tượng áp dụng Quy tắc ứng xử là các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nói một cách khác, quan điểm chung được đưa ra là tất cả các tổ chức, cá nhân cần tham gia vào việc thực hiện Quy tắc ứng xử, có trách nhiệm trong việc phản ánh, đấu tranh, phê phán những hành vi lệch chuẩn.
Quy tắc ứng xử được ban hành đã khá lâu, sự chuyển biến về ứng xử ở nơi công cộng theo hướng tích cực là có, nhưng chưa rộng khắp. Muốn Quy tắc ứng xử phát huy hiệu quả hơn nữa trong thực tế, điều quan trọng là hình thành nhận thức chung trong mọi nhà, mọi người về cách ứng xử thích hợp trước những hành vi phản văn hóa. Cách tốt nhất, thích hợp nhất là lên án mọi hành vi vi phạm Quy tắc ứng xử ở mọi nơi, mọi lúc; không thỏa hiệp, không ngoảnh mặt trước những gì đáng gọi là “tệ nạn ứng xử”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.