(HNM) - Ngày 2-4 được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ với mục đích tăng cường nhận thức, sự chia sẻ của cộng đồng đối với trẻ tự kỷ, đồng thời khuyến cáo các quốc gia quan tâm hơn nữa đến hội chứng này.
Cô giáo Đỗ Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Hy vọng, chăm sóc trẻ tự kỷ và trẻ chậm phát triển. |
Những sai lầm đáng tiếc...
Tại Việt Nam hiện chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc tự kỷ. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200.000 người gồm cả trẻ em và người trưởng thành mắc tự kỷ. Số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương mỗi năm khám và điều trị cho trẻ tự kỷ tăng từ 10 đến 20%. Trong số khoảng 22.000 lượt trẻ đến khám chuyên khoa tâm thần tại bệnh viện mỗi năm có 1/3 trẻ được đánh giá bị tự kỷ.
Tại buổi họp mặt Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ vừa diễn ra tại Bệnh viện Nhi trung ương, chị Nguyễn Thị Hằng (ở Hà Nội) đã chia sẻ về chặng đường 5 năm đong đầy nước mắt và mồ hôi cùng con chiến đấu với bệnh tự kỷ. Chị Hằng kể, con trai thứ 2 sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Thế nhưng, đến khi 3 tuổi đi nhà trẻ, bé không nói được như trẻ bình thường. Thời điểm đó, khi biết con bị tự kỷ, trời đất như sụp đổ. Thế nhưng, chính những lời động viên của bác sĩ đã kéo chị ra khỏi hố sâu tuyệt vọng.
Trung tâm Hy vọng (phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Hà Nội trở thành nơi thắp sáng niềm hy vọng cho nhiều trẻ bị tự kỷ. Cô giáo Đỗ Thúy Nga, Giám đốc trung tâm chia sẻ, tại đây tiếp nhận không ít những bạn nhỏ xinh xắn, đáng yêu nhưng không biết nói, suốt ngày chỉ nhảy nhót, cắn cấu mọi người, đập đầu vào tường… Những đứa trẻ bình thường, việc gọi “mẹ” hay “bà” là điều hoàn toàn tự nhiên nhưng với trẻ tự kỷ đó là cả hành trình cố gắng của trung tâm và gia đình...
Bác sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, tự kỷ là một tình trạng khiếm khuyết phức tạp về các khả năng phát triển của não bộ, tiến triển trong ba năm đầu đời của trẻ. Chứng tự kỷ làm cho trẻ mất khả năng giao tiếp, nhất là về phương diện ngôn ngữ và có thể gây tổn thương cho chính bản thân vì các hành động tự gây hại và quậy phá. Hiện chưa có một nghiên cứu khoa học nào chỉ ra chính xác nguyên nhân mắc bệnh mà tất cả mới ở dạng giả thuyết hoặc nhóm nguyên nhân. Tóm lại, tự kỷ do đa nguyên nhân, có thể do yếu tố gen, gia đình, môi trường sống...
Tuy nhiên, không ít quan niệm cho rằng, trong xã hội hiện đại, trẻ con tiếp cận với thiết bị điện tử nhiều hơn là tiếp xúc cha mẹ, với cộng đồng - đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến bệnh tự kỷ gia tăng.
Bác sĩ Thành Ngọc Minh lo ngại, không ít phụ huynh khi bác sĩ chẩn đoán con bị tự kỷ vẫn không tin đó là sự thật. Còn có trường hợp, cha mẹ đưa con đến điều trị nhưng khi về nhà không có thời gian, xao nhãng với con thì kết quả “đâu lại vào đấy”. Có cha mẹ bỏ cuộc, khi trẻ có hành vi bất thường quay lại điều trị thì rất khó. Hay khi cha mẹ phát hiện trẻ mắc bệnh sớm nhưng không tìm được nguồn hướng dẫn điều trị và khi trẻ 12 tuổi đã rơi vào trạng thái tăng động, gào thét, đập đầu vào tường…
Cha mẹ đóng vai trò then chốt
Bác sĩ Lê Đào Nghĩa, Khoa Nhi và Tâm lý lâm sàng (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương Hà Nội) cho rằng, khi phụ huynh phát hiện trẻ có biểu hiện chậm nói, giao tiếp không nhìn vào mắt người đối diện, chơi một mình, lặp đi lặp lại một hành vi… thì cần đưa trẻ đến khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trẻ tự kỷ phải được can thiệp càng sớm càng tốt. Giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ tự kỷ là 24-36 tháng tuổi. Để can thiệp hiệu quả cần có sự tham gia của cha mẹ và các nhà chuyên môn như bác sĩ, nhà tâm lý, các nhà giáo dục đặc biệt. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn đóng vai trò then chốt.
Buổi họp mặt Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Nhi trung ương. |
Còn theo bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi trung ương), tại bệnh viện thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu nhằm cung cấp các thông tin về chứng tự kỷ. Mặt khác, hướng dẫn cho các gia đình cách chăm sóc và dạy trẻ tự kỷ ngay tại nhà. Chính sự hiểu biết về các rối loạn phát triển của trẻ tự kỷ sẽ giúp cha mẹ tham gia vào quá trình điều trị tốt hơn và đưa ra các quyết định đúng đắn cho con mình.
Bác sĩ Thành Ngọc Minh lưu ý, sau khi nhận được chẩn đoán, thay vì tuyệt vọng, cha mẹ nên nghiên cứu, tìm hiểu thông tin, đồng thời liên lạc với các chuyên gia về tự kỷ để có nhận thức đúng trong cách kiểm tra, đánh giá và điều trị bệnh cho con. Thậm chí, khi con mắc bệnh, cha mẹ không nên tự trách bản thân mà cần đóng một vai trò tích cực và chủ động trong tất cả hoạt động can thiệp cho trẻ.
Can thiệp tự kỷ là một quá trình lâu dài, không có hạn định về thời gian. Vì vậy, cha mẹ phải quyết tâm, kiên trì, tin tưởng, yêu thương và đồng hành trong hành trình đưa con trở về thế giới của trẻ bình thường.
Theo Bệnh viện Nhi trung ương, có 5 dấu hiệu báo động trẻ tự kỷ: Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, ra dấu vào khoảng 12 tháng tuổi; không biết nói từ đơn khi 16 tháng tuổi; không biết đáp lại khi được gọi tên; không tự nói được câu có 2 từ khi 24 tháng tuổi; mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.