(HNM) - Nhân gian truyền lại không ít chuyện cầu mưa và có thơ rằng: "Tri phủ cầu mưa rơi/ Nhân dân sướng mê tơi! Nửa đêm mở cửa ngó? Trăng soi". Ấy là chuyện thiên nhiên và chẳng ai có thể điều khiển được thiên nhiên. Chỉ còn cách tìm biện pháp hữu hiệu chung sống với thiên nhiên.
Cũng là chuyện rơi, từ trên rơi xuống khiến dư luận bức xúc nhiều trong thời gian qua là tai nạn lao động từ các công trường thi công. Đây đích thị là họa! Họa do chính con người gây ra. Có những vụ việc được rút kinh nghiệm nghiêm túc, kèm theo đó là những giải pháp để không tái diễn. Vậy mà, tại một số dự án, "họa" đã xảy đến với người tham gia giao thông dù được lãnh đạo các cơ quan chức năng chỉ đạo, cam kết sẽ bảo đảm an toàn. Đáng tiếc, sau một thời gian, đâu lại hoàn đó. Ví như hai dự án đường sắt đô thị đang thi công tại Hà Nội, đặc biệt là Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Bộ GT-VT làm chủ đầu tư. Qua thông tin báo chí, không ít độc giả đã đếm "họa trên trời rơi xuống" là số nhiều, cũng như thiệt hại trong từng vụ. Đáng ghi nhận là sau mỗi vụ việc, nhất là vụ việc nghiêm trọng, lãnh đạo cơ quan chức năng đều sớm có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục, yêu cầu kiểm điểm và có giải pháp bảo đảm an toàn. Tiếc là, chỉ được một thời gian, sắt thép lại… rơi.
Mới nhất, sáng 25-8, tại công trường thi công Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông lại xảy ra vụ rơi thanh thép, may mà khi đó chỉ có một chiếc ô tô con lưu thông nên không có thiệt hại về người. Đại diện cơ quan chức năng đã khẳng định, lỗi do… sơ suất của công nhân. Không sai! Tai nạn rất khó lường và thường do sự chủ quan, sơ suất gây ra. Điều này đã được Bộ LĐ-TB&XH phân tích, kết luận trong báo cáo mỗi năm.
Vẫn biết, việc thi công các dự án trong điều kiện vừa phải bảo đảm giao thông, vừa phải bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình là điều hết sức khó khăn. Chỉ cần một sơ sẩy nhỏ sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao trước khi thi công, phải xây dựng biện pháp thi công thật sự khoa học và phương án này phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chắc hẳn, tại Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, vấn đề này còn được quan tâm hơn, bởi lẽ đây là tuyến giao thông quan trọng, có lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn. Thế nhưng, chẳng hiểu vì lý do gì, các vụ tai nạn lao động liên tục xảy ra khiến nhiều người tham gia giao thông rỉ tai nhau khi qua công trường nên tránh đi dưới giàn giáo. Sau những gì đã xảy ra mới thấy, đúng là "cẩn tắc vô áy náy".
Thời gian qua, ngành GT-VT đã có nhiều giải pháp mạnh để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, được đánh giá cao. Dư luận mong muốn, sự an toàn cho người tham gia giao thông cũng được thực hiện quyết liệt như thế. Sắt thép vô tri, vô giác. Vấn đề ở đây là ở… con người! Trong lúc chờ đợi cơ quan chức năng có giải pháp hữu hiệu, có lẽ cũng nên cầu cho các kỹ sư, công nhân đủ sức khỏe, minh mẫn, đừng sơ suất để... thép rơi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.