(HNM) - Sau hơn 30 năm Việt Nam đổi mới và mở cửa với quốc tế, không thể phủ nhận khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đóng góp hết sức tích cực vào GDP, tạo việc làm, đóng góp vào ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây thực sự là nguồn lực đáng quý.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, khu vực FDI cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực, nổi bật là chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng “lỗ giả, lãi thật”, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư…
Dẫn chứng rõ nhất là riêng ba năm trở lại đây có tới 52% số doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ trong năm tài chính, khoảng 60% số doanh nghiệp báo cáo có lỗ lũy kế, trong đó 16% báo cáo lỗ mất hết vốn. Ngạc nhiên là, rất nhiều doanh nghiệp báo cáo lỗ vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất - kinh doanh. Thậm chí có những doanh nghiệp đã đầu tư, hoạt động 15-20 năm, năm nào cũng báo cáo lỗ, nhưng vẫn đều đặn mở rộng hoạt động. Điều này là phi lý, vì trong cơ chế thị trường, kinh doanh thua lỗ thì doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, hoặc phá sản, giải thể, đóng cửa, hay chuyển hướng kinh doanh, thay vì tiếp tục mở rộng hoạt động.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chống chuyển giá cũng như quản lý và phát huy tốt các dự án FDI, trước mắt, việc tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá và tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá là hết sức cấp thiết. Cùng với đó là thu hẹp các ưu đãi về thuế, cụ thể là hạn chế tối đa các chính sách xã hội trong ưu đãi thuế; chuyển giao quyền điều tra cho cơ quan thuế cấp Tổng cục và lâu dài đến cơ quan thuế cấp tỉnh, thành phố.
Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia có chế tài xử phạt nặng đối với hành vi chuyển giá và đã phát huy hiệu quả kiểm soát hoạt động này. Việc học tập kinh nghiệm các nước, ban hành mức xử phạt nặng đối với các hành vi chuyển giá trốn thuế của doanh nghiệp FDI là cần thiết. Mặt khác, cần có một bộ máy chống chuyển giá hoàn chỉnh và đủ mạnh. Đây là lực lượng chuyên trách làm việc chống chuyển giá tại cơ quan thuế trung ương đến địa phương, cũng như tiến hành thu thập xử lý thông tin từ các doanh nghiệp có quan hệ liên kết từ cơ quan thuế và bên thứ ba.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0, chúng ta cũng cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp FDI. Đây là một đòi hỏi rất cấp thiết để các cơ quan chức năng của Việt Nam để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá của các cơ quan chức năng. Thời gian tới, ngành Thuế, cơ quan cấp phép đầu tư, hải quan, công an, ngân hàng... cần tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối thông tin để có được một hệ thống thông tin bảo đảm cho quá trình quản lý thuế nói chung và hoạt động phân tích rủi ro, thanh tra, xử lý vi phạm về giá chuyển giao giữa các thành viên liên kết nói riêng.
Hoạt động chống chuyển giá có thể tác động đến khả năng thu hút đầu tư nước vào Việt Nam trong ngắn hạn theo hướng giảm số lượng dự án và vốn đầu tư, song về dài hạn sẽ nâng cao chất lượng thu hút FDI bằng việc hạn chế các nhà đầu tư không hiệu quả và tăng đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư có uy tín, làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các biện pháp đồng bộ chống chuyển giá, để FDI thực sự là nguồn lực quý giá đối với Việt Nam trong thời kỳ hội nhập thay vì trở thành lực cản tạo sự bất bình đẳng, kìm hãm sự phát triển, tiến bộ xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.