Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng đẩy môn lịch sử ra xa học sinh

Thủy Tiên| 25/05/2014 05:45

(HNM) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 4-6-2014 với 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là toán và văn. Mới đây Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã công bố tỷ lệ các môn thi tự chọn thì môn lịch sử chỉ có 104.959 học sinh đăng ký trong tổng số 910.831 học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp năm nay, chiếm tỷ lệ 11,5%, thấp nhất trong 6 môn tự chọn. Dù không quá bất ngờ nhưng tỷ lệ đó khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn, lo lắng.


Nhiều năm trở lại đây, điểm thi môn lịch sử trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học rất thấp, số điểm thi dưới 5 chiếm tỷ lệ cao. Thậm chí, điểm 0 và 1 không hiếm.

Trước thực trạng đáng buồn này, dư luận xã hội đã nhiều lần tìm cách lý giải vì sao học sinh bây giờ không thích học môn sử. Nguyên nhân đầu tiên được các nhà sử học, giáo viên, học sinh, phụ huynh và các nhà hoạt động giáo dục đưa ra là sách giáo khoa lịch sử quá khô khan; các sự kiện thiếu trọng tâm, trọng điểm; bài học lịch sử rút ra cũng quá dài nên học sinh khó nhớ, khó thuộc. Bên cạnh bất cập từ sách giáo khoa, phương pháp dạy chủ yếu dựa vào sách, tài liệu tham khảo, thiếu mô hình, sa bàn và thiếu thực tế đã không khơi dậy trí tưởng tượng cho học sinh. Ví dụ như trận đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, học sinh cũng chỉ học chay trong khi tại một số bảo tàng có trưng bày các cọc gỗ vót nhọn và khúc sông xưa vẫn còn đó nhưng do không được "mục sở thị" nên học sinh không có cảm hứng với bài học. Nguyên nhân thứ hai là môn lịch sử bấy lâu nay bị coi nhẹ dù môn này rất quan trọng trong giáo dục nhân cách công dân Việt Nam tương lai. Việc luôn "được" xếp hàng cuối cùng trong số các môn khoa học xã hội là địa lý, sinh vật, ngoại ngữ và ngay trong kỳ thi năm 2014 cũng chỉ là môn tự chọn, đã càng "đẩy" môn lịch sử ra xa học sinh hơn. Nguyên nhân thứ ba là quan niệm học để đi thi, học không phải lấy kiến thức vẫn tồn tại, vì thế việc học của học sinh mang tính đối phó; nếu thi tốt nghiệp THPT năm đó không thi môn sử thì học sinh cũng bỏ học sử luôn.

Các nước trên thế giới đều coi lịch sử là môn khó học vì liên quan đến nhiều sự kiện, tên nhân vật, địa danh, thời gian diễn ra sự kiện, các bài học lịch sử. Sử Việt Nam lại càng khó hơn vì trong suốt hàng nghìn năm, lịch sử nước ta là lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm. Ý thức được tầm quan trọng của lịch sử đối với công cuộc giữ nước, từ xa xưa nhiều trí thức trong các triều đại phong kiến nước ta đã soạn lịch sử thành diễn ca để dân Nam không biết chữ có thể học theo lối truyền khẩu. Trong tác phẩm "Lịch sử nước ta", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hai câu thơ: "Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", hai câu thơ giản dị dễ nhớ nhưng Người đã gửi gắm vào đó thông điệp: Lịch sử chính là nền tảng tinh thần của con người Việt Nam.

Học lịch sử là ôn lại kỷ niệm, là để tự hào về dân tộc mình, để hình thành ý thức, trách nhiệm bảo vệ và xây dựng đất nước hiện tại và tương lai. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên nhanh chóng sửa chữa những bất cập trong sách giáo khoa, phương pháp dạy và đưa môn sử ngang hàng với toán, văn. Nếu chậm trễ thì số học sinh chọn thi môn sử những năm tới sẽ còn thấp hơn tỷ lệ 11,5% của kỳ thi THPT năm nay và đó là điều dư luận xã hội khó có thể chấp nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng đẩy môn lịch sử ra xa học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.