Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng bỏ lỡ cơ hội!

Dục Tú| 12/11/2012 06:52

(HNM) - Hà Nội - Việt Nam đã chính thức nhận quyền đăng cai tổ chức ASIAD lần thứ 18 năm 2019. Bởi thế, giờ không còn là lúc thích hợp để nói chuyện nên hay không nên đăng cai, cũng không phải lúc đoán già đoán non rằng tổ chức một sự kiện tầm cỡ như ASIAD thì chi phí phát sinh sẽ gấp bao nhiêu lần so với dự kiến ban đầu chứ không thể


Không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia xếp hàng mong được tổ chức những hoạt động thể thao lớn như World Cup, EURO, ASIAD, Olympic mùa hè. Người ta nhìn thấy từ những sự kiện đình đám ấy cơ hội phát triển nói chung, cả về kinh tế, thể thao, văn hóa, du lịch… của một quốc gia chứ không chỉ riêng thành phố diễn ra sự kiện ấy. Đằng sau một sự kiện thể thao lớn là sự chú ý của hàng tỷ người - điều kiện quảng bá hình ảnh thành phố - quốc gia đăng cai không phải lúc nào cũng xuất hiện. Bởi thế, ASIAD hay Olympic đều là cơ hội phát triển mà ai cũng muốn có.

Giờ thì hãy thôi bàn lùi, cùng nhất quán quan điểm coi ASIAD là cơ hội to lớn của Hà Nội - Việt Nam. Lúc này, điều cần thiết là bàn xem cần làm những việc gì, tập trung vào đâu, cách thức tiến hành để bảo đảm việc tổ chức ASIAD đạt được những mục tiêu đã đề ra. Những mục tiêu ấy, lớn bé gì cũng quy về mấy điều cơ bản như phát triển kinh tế, thể thao, du lịch, cải thiện hạ tầng giao thông, môi trường đô thị nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến… Những điều cần đạt được song hành với yêu cầu tiết kiệm, an toàn, tuân thủ yêu cầu của Ủy ban Olympic thế giới và Châu Á.

Với Hà Nội - Việt Nam, ASIAD không phải là cuộc chơi dù Đại hội Thể thao Châu Á 2019 là một sự kiện thể thao đúng nghĩa. Đi liền với niềm vinh dự tự hào khi được "chọn mặt gửi vàng" là trách nhiệm tổ chức một kỳ ASIAD thành công, cùng lúc giải nhiều bài toán chắc chắn là không dễ giải, từ tạo nguồn vốn đến cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông, môi trường đô thị, hệ thống khách sạn, điều kiện giải trí, hình thành những đội tuyển thể thao đủ mạnh mà nước chủ nhà cần đạt được… Đó là chuyện không đơn giản với một quốc gia còn nghèo, một nền thể thao kém phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa qua cơn khủng hoảng trầm trọng dù trước mắt còn có gần 6 năm để thay đổi điều đó.

Muốn đạt được mục tiêu đề ra thì cần hành động ngay, tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy" nên hay - dở gì cũng phải chấp nhận. Đầu tiên là một chương trình tổng thể rõ cơ quan đứng đầu, nhiệm vụ của Hà Nội, của từng ngành, tiến độ của từng phần việc và ai - cơ quan nào chịu trách nhiệm với sự thành - bại của việc đó. Có mấy phần việc cần được tập trung thực hiện một cách nghiêm túc, gồm kêu gọi tài trợ, nâng cao trình độ của các đội tuyển thể thao, xây dựng hạ tầng phục vụ tổ chức thi đấu, phát triển đô thị, nâng cấp dịch vụ du lịch. Có hai chương trình cần được quan tâm sớm, là lễ khai mạc và bế mạc ASIAD. Thực tế cho thấy những kinh nghiệm đã có từ việc đăng cai tổ chức SEA Games 23 không có ý nghĩa nhiều lắm đối với việc tổ chức lễ khai - bế mạc ASIAD 18 dù hai tiêu chí chính cần có không có gì khác ngoài tính dân tộc và hiện đại. Với ASIAD, cần phải có một cuộc thi kịch bản cho lễ khai mạc, bế mạc, cần quy trình tuyển dụng vị trí tổng đạo diễn và ê kíp một cách nghiêm ngặt, kiên quyết loại bỏ những ai có tư tưởng coi phần việc ấy như miếng bánh có thể chia phần.

ASIAD về cơ bản là khác xa SEA Games, cả về quy mô và mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế và sự phát triển văn hóa xã hội của một quốc gia. Việc phải bỏ cả núi tiền cho việc đăng cai tổ chức sự kiện ấy không đáng băn khoăn bằng việc ta có tận dụng được cơ hội hay không.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đừng bỏ lỡ cơ hội!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.