Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đức cân nhắc phong tỏa toàn phần để kiềm chế dịch Covid-19 lây lan

Hoàng Linh| 13/12/2020 06:29

(HNMO) - Đến 6h ngày 13-12, thế giới ghi nhận 72.040.091 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.610.400 trường hợp tử vong, 50.434.769 bệnh nhân đã bình phục.

Người dân tập trung đông đúc tại các khu mua sắm trung tâm London.

Châu Âu

Italia đã vượt qua Anh trở thành quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Âu. Nước này ghi nhận thêm 649 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số bệnh nhân tử vong vì Covid-19 lên 64.036 người. 

Tại Đức, chính quyền trung ương và các địa phương nhất trí sẽ phong tỏa toàn phần chậm nhất từ ngày 16-12 tới. Trong thời gian phong tỏa, các cửa hàng bán lẻ (trừ các cửa hàng thực phẩm) sẽ phải đóng cửa. Những hoạt động tụ họp sẽ hạn chế ở mức tối đa 5 người trong 2 hộ gia đình, không tính trẻ em dưới 14 tuổi. 

Riêng từ ngày 24 đến 26-12, Đức sẽ cho phép gặp tối đa 10 người, có thể nhiều hơn 2 hộ gia đình nếu là họ hàng thân thích. Kế hoạch cụ thể sẽ được đưa ra sau cuộc thảo luận trực tuyến sáng 13-12 (giờ địa phương) giữa Thủ tướng Angela Merkel với những người đứng đầu 16 bang của Đức.

Tại Anh, trong bối cảnh hàng nghìn người dân đổ tới những khu mua sắm ở trung tâm London trong tuần cuối cùng trước lễ Giáng sinh, Bộ trưởng Y tế nước này Matt Hancock khẳng định, việc London sẽ siết chặt các quy định phòng dịch từ đầu tuần tới là điều “không thể tránh khỏi”.  

Châu Á

Ấn Độ vẫn là điểm nóng về Covid-19 tại châu Á, với 9.854.208 ca nhiễm, trong đó có tới 27.182 ca nhiễm mới, 142.994 trường hợp đã thiệt mạng.

Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch tại hai thành phố ở vùng biên giới giáp với Nga là Đông Ninh và Tuy Phân Hà sau khi mỗi thành phố này đều có thêm một ca mắc mới liên quan tới các công nhân làm việc ở cảng và khu thương mại.

Với 3.031 ca mắc mới trong 24 giờ qua, Nhật Bản lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới vượt trên 3.000 người/ngày kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Riêng thủ đô Tokyo ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục, lên tới 621 ca. Trong bối cảnh dịch tiếp tục lan rộng trên khắp toàn quốc, hệ thống y tế ở nhiều khu vực tại Nhật Bản bắt đầu có dấu hiệu quá tải. Tokyo cũng thỏa thuận với hãng dược phẩm AstraZeneca PLC của Anh về việc mua 120 triệu liều vắc xin, đủ để tiêm phòng cho 60 triệu người. 

Tại Đông Nam Á, Malaysia, Indonesia tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong gia tăng. Cụ thể, Malaysia xác nhận 1.937 ca nhiễm và 9 ca tử vong mới, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 82.246 ca và 411 ca tử vong; Indonesia ghi nhận 6.388 ca nhiễm và 142 ca tử vong mới, nâng tổng số ca bệnh lên 611.631 ca và 18.653 ca tử vong. 

Châu Mỹ

Mỹ vẫn là nước chịu tác động nặng nề nhất về dịch bệnh với 16,2 triệu ca nhiễm và hơn 302.000 ca tử vong. Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc xin ngừa Covid-19 do Pfizer/BioNTech bào chế, nhưng chỉ áp dụng cho người từ 16 tuổi trở lên. Cơ quan này cũng bác bỏ thông tin về việc bị Tổng thống Donald Trump ra “tối hậu thư” phải phê duyệt vắc xin trước một mốc thời gian cụ thể.

Ngay sau quyết định nói trên của FDA, Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ bắt đầu triển khai cho tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech "trong vòng chưa đầy 24 giờ tới". Các thống đốc bang sẽ quyết định các đối tượng được tiêm vắc xin đầu tiên tại địa phương mình. 

Mexico đã phê duyệt vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech và sẽ tiếp nhận lô đầu tiên gồm 250.000 liều trong tháng 12. Chính phủ nước này cho biết, kế hoạch tiêm chủng sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12, với ưu tiên hàng đầu dành cho các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Tại Nam Mỹ, dù có số ca mắc Covid-19 rất cao với 6.880.127 ca bệnh, nhưng hiện tỷ lệ người dân Brazil từ chối tiêm vắc xin lên tới 22% (theo thống kê của Datafolha), thay vì mức 9% hồi tháng 8.

Peru tạm ngừng thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 do Tập đoàn Dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc sản xuất, sau khi một người tình nguyện gặp khó khăn khi cử động tay. Theo nhà nghiên cứu trưởng German Malaga của Viện trên, đây có thể là dấu hiệu của Guillain-Barre, một hội chứng rối loạn hiếm gặp và không lây nhiễm, ảnh hưởng đến cử động tay và chân.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đức cân nhắc phong tỏa toàn phần để kiềm chế dịch Covid-19 lây lan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.