(HNM) - Đổi mới cách thức tuyên truyền, thí điểm thực hiện chế tài xử phạt…, đó là hai trong nhiều giải pháp sẽ được TP Hà Nội tập trung triển khai trong năm 2018 - năm trọng tâm trong hành trình đưa Quy tắc ứng xử vào cuộc sống.
Dạy trẻ ý thức bảo vệ môi trường nhằm góp phần hình thành trách nhiệm công dân từ nhỏ. Ảnh: Anh Tuấn |
Sáng tạo, bền bỉ tuyên truyền, vận động
Sau một năm triển khai “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội” (QTƯX), đánh giá ban đầu của cơ quan quản lý văn hóa cho thấy đã có sự chuyển biến đáng khích lệ về nhận thức, hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động ở công sở cũng như có tác động nhất định tới hành vi ứng xử ở nơi công cộng.
Tuy nhiên, kết quả đó chưa rõ rệt, tính tự giác trong việc thực hiện QTƯX chưa cao, cách làm hay và mô hình điểm chưa có nhiều. Đâu đó vẫn còn cán bộ, công chức vi phạm những quy ước trong giao tiếp với đồng nghiệp, với nhân dân; hành vi bạo lực gia đình, lối ứng xử thiếu văn minh, vô cảm… ở nơi công cộng vẫn còn, gây bức xúc trong dư luận.
Đánh giá về hạn chế nói trên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhận định: “Có sự hạn chế là do các cấp chưa có giải pháp hiệu quả trong việc triển khai QTƯX, mà rõ nhất là công tác tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, chúng ta chưa tận dụng được tối đa ưu thế của truyền thông, mạng xã hội để làm lan tỏa những nội dung trong QTƯX, đó là điều đáng tiếc. Các phương pháp tuyên truyền, vận động truyền thống nhiều lúc, nhiều nơi còn nặng tính hình thức, chưa rõ chất lượng, hiệu quả… Những vướng mắc này cần sớm được khơi thông để tạo đà cho QTƯX đi vào cuộc sống”.
Nhằm khắc phục hạn chế nói trên, mới đây, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng tuyên truyền về QTƯX. Thành đoàn Hà Nội đề xuất giải pháp phối hợp với những cá nhân, tổ chức có ảnh hưởng trong giới trẻ để tập trung tuyên truyền về lối sống đẹp, về chuẩn mực ứng xử...; ngành Giáo dục đổi mới phương thức triển khai bộ tài liệu về nếp sống thanh lịch, văn minh trong nhà trường; các cơ quan truyền thông tăng thời lượng tuyên truyền, tích cực xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tập trung phát hiện, biểu dương gương điển hình cũng như thẳng thắn chỉ ra hạn chế của các đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện QTƯX…
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết: Các nghệ sĩ, hoa hậu, “thủ lĩnh đoàn”… có tầm ảnh hưởng quan trọng, đặc biệt là với lớp trẻ. Mạng xã hội là cầu nối giúp họ tiếp cận người hâm mộ. Thông điệp mà họ truyền qua các trang cá nhân sẽ tác động tới ý thức, tình cảm của nhiều người, góp phần định hình lối sống đẹp, chuẩn mực ứng xử.
Về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, theo Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Mai Thị Kim Thoa, việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cần cách tiếp cận đa chiều, hấp dẫn. Cùng với đó, các cơ quan báo chí cần bám sát hơn thực tiễn để phát hiện và kịp thời biểu dương những tấm gương điển hình, phê phán hành vi tiêu cực, khi đó nâng cao hơn hiệu ứng tuyên truyền sẽ tăng lên.
Thêm chế tài xử lý vi phạm
Thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội là hướng tới xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp. Ảnh: Viết Thành |
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động là giải pháp quan trọng nhằm đưa QTƯX vào đời sống, từng bước hình thành nếp sống, lối ứng xử chuẩn mực trong cộng đồng. Bên cạnh đó, chúng ta cần có giải pháp chấn chỉnh hành vi thông qua việc triển khai thực hiện chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm QTƯX. Về việc này, gần đây, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU Nguyễn Thị Bích Ngọc đã giao cho Sở Nội vụ xây dựng chế tài xử phạt cán bộ, công chức, viên chức vi phạm QTƯX và tổ chức thực hiện thí điểm. Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo nhanh chóng hoàn thành kế hoạch triển khai Chương trình trong năm 2018 trước tháng 2-2018, đặc biệt là đề ra các đầu việc cụ thể về triển khai thực hiện QTƯX.
Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết: QTƯX giống như cẩm nang nhắc nhở về ranh giới không nên vượt qua, hiệu quả thực thi phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi người. Khi có thêm chế tài xử lý đủ sức răn đe, chắc chắn hiệu quả sẽ lớn hơn. Sở Nội vụ đang gấp rút nghiên cứu, xây dựng bộ chế tài xử lý vi phạm, bao gồm hình thức phạt tiền, nêu tên trên các kênh thông tin đại chúng, thông báo về cơ quan, đơn vị… với từng lỗi vi phạm.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, TS Nguyễn Viết Chức đánh giá: Hệ thống QTƯX dù tạo được những chuyển biến nhất định trong nhận thức, hành động nhưng để có được kết quả như mong muốn thì cần có giải pháp đồng bộ. Việc áp dụng chế tài xử phạt là cần thiết, nhưng để giải quyết câu chuyện văn hóa ứng xử một cách bền vững thì “chìa khóa” còn nằm ở tính gương mẫu từ trên xuống dưới. Người lớn làm gương cho trẻ nhỏ; lãnh đạo làm gương cho nhân viên. Nếu những người trên gương mẫu thì tự nhiên người dưới sẽ tự giác làm theo.
UBND TP Hà Nội đang xây dựng kế hoạch triển khai QTƯX giai đoạn 2018-2020 với các nhiệm vụ cụ thể như: Lồng ghép, đưa nội dung QTƯX vào chương trình ngoại khóa ở các cấp học; phổ biến qua hệ thống loa truyền thanh tại các điểm nút giao thông, trên bảng, biển tại nhà ga, bến tàu, xe buýt; tổ chức hội thi tìm hiểu QTƯX từ thành phố đến cơ sở; bổ sung tiêu chí thực hiện QTƯX vào việc bình xét các danh hiệu văn hóa. Kế hoạch trên sẽ tập trung vào phổ biến, quán triệt việc triển khai QTƯX, công tác tuyên truyền, bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật; tổ chức kiểm tra, giám sát... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.