(HNMO) - Sáng 16-5, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Đức về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; công tác phát triển kinh tế sau dịch bệnh; công tác chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XXIV Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.
Dự buổi làm việc có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng. Cùng dự có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Huyền Mai; lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành phố.
Khởi công 118 dự án, hoàn thành 41 công trình chào mừng đại hội
Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay đã là giữa quý II-2020, nhưng tình hình kinh tế thành phố vẫn rất khó khăn. Vì vậy, một trong những nội dung quan trọng của buổi làm việc là cùng bàn các giải pháp giúp huyện thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bí thư Thành ủy, trước đây, các quận tăng trưởng cao, thu ngân sách lớn, là cơ sở bảo đảm nguồn thu của thành phố, nhưng hiện nay đang chịu thiệt hại rất lớn do dịch Covid-19, dẫn đến nguồn thu giảm mạnh. Do đó, thành phố đặt yêu cầu các huyện phải nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu để “chi viện” cho nội thành. Cùng với xem xét các nội dung khác, buổi làm việc sẽ tập trung đánh giá mặt mạnh, mặt yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện thời gian qua, định hướng thời gian tới, nhất là thực hiện mục tiêu đưa huyện Hoài Đức thành quận trong năm nay.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho biết, 4 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 6.928,5 tỷ đồng, đạt 29,2% kế hoạch, bằng 92,4% cùng kỳ năm 2019. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 572 tỷ đồng, bằng 34,5% so với dự toán. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 28,6% kế hoạch. Đặc biệt, đến nay, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo.
Cũng trong 4 tháng qua, huyện đã khởi công 118 dự án, hoàn chỉnh hồ sơ 98 dự án để khởi công. Huyện cũng đã hoàn thành 41 công trình chào mừng đại hội đảng bộ các xã, thị trấn; đang đẩy nhanh tiến độ để khởi công 6 tuyến đường giao thông khung, hoàn thành công trình đường đê tả Đáy và đường Vành đai 3,5 để chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Đồng thời, huyện thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan trên địa bàn.
Thực hiện Đề án xây dựng huyện thành quận, đến nay, cấp huyện đã đạt 5/6 tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, 17/21 tiêu chí về phát triển hạ tầng. Hiện còn 5 tiêu chí chưa đạt, trong đó 3 tiêu chí cơ bản đạt là cân đối thu - chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng; 2 tiêu chí chưa đạt là cơ sở y tế cấp đô thị và tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý. Đối với cấp xã, hiện mới có xã An Khánh đạt 15/15 tiêu chí, 8 xã đạt 12-13 tiêu chí, 10 xã đạt 10-11 tiêu chí, 1 xã đạt 9 tiêu chí.
Đến hết tháng 2-2020, huyện đã tổ chức xong đại hội các chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Đến nay, 33/44 tổ chức cơ sở Đảng tổ chức xong đại hội, dự kiến trong tháng 5 tổ chức xong đại hội đảng bộ cấp cơ sở. Đại hội Đảng bộ huyện dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 6, đầu tháng 7-2020. Huyện đã cơ bản củng cố 12/12 tổ chức cơ sở Đảng cần quan tâm, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, bảo đảm ổn định tình hình...
Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Đức nêu 6 nhóm kiến nghị, đề xuất, tập trung chủ yếu về quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị, tài chính, ngân sách. Trong đó, huyện kiến nghị thành phố duyệt chủ trương đầu tư 23 dự án nhằm thực hiện tiêu chí thành quận.
Trao đổi thảo luận, các đại biểu cho rằng, để Hoài Đức phát triển đúng tiềm năng, thành phố cần hỗ trợ phát triển mạnh về kết cấu hạ tầng giao thông khung của địa phương, trong đó xương sống là đường Vành đai 3,5. Trong 5 năm tới, huyện phải xác định khâu đột phá chính là phát triển hạ tầng, tăng cường phát triển thương mại, thu hút đầu tư, hình thành các trung tâm thương mại lớn...
Hoài Đức đi sau nhưng phải về trước
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá, huyện Hoài Đức có vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với các trục đường chính, quỹ đất rộng, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, con người kiên cường trong đấu tranh cách mạng, cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động, sản xuất; có 53 làng nghề, 12 cụm làng nghề... Đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển mạnh trong tương lai với định hướng trở thành quận mới của Thủ đô.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 và các chỉ đạo của Thành ủy, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là từ năm 2017, huyện đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hằng năm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 10%. Mặc dù là địa bàn nông thôn, nhưng tốc độ tăng thương mại, dịch vụ cao hơn tăng trưởng kinh tế chung.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cho rằng, huyện còn nhiều mặt hạn chế, tồn tại cần được quan tâm. Trong kết quả chung toàn diện của huyện vẫn chưa rõ lĩnh vực nổi trội, đột phá. Cơ cấu lao động chưa chuyển dịch nhanh tương xứng với cơ cấu kinh tế, là nguyên nhân quan trọng khiến thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn chưa bằng bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách còn thấp, cơ cấu thu chưa bền vững, chủ yếu vẫn thu từ đất. Việc xử lý các vụ việc phát sinh chưa kịp thời, có việc còn tồn đọng. Về nhân sự cấp ủy, cơ cấu cán bộ trẻ, đặc biệt là cán bộ nữ, còn thấp.
Chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu Đảng bộ, chính quyền, trước hết là Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Đức tỏ rõ quyết tâm chính trị thúc đẩy phát triển kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao, tăng thu ngân sách để chia sẻ khó khăn với thành phố; trong đó phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp ít nhất phải bằng mức tăng thành phố đặt ra là 4,62%; phấn đấu đạt và vượt 100% chỉ tiêu phát triển năm 2020.
Để đạt mục tiêu này, Bí thư Thành ủy yêu cầu lãnh đạo huyện năng động hơn, quyết tâm hơn; tinh thần là không chờ đợi, chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc, khai thác dư địa, thúc đẩy đầu tư phát triển.
Nhấn mạnh mục tiêu phát triển thành quận của huyện Hoài Đức, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng, việc trở thành quận trong năm 2020 là khó khả thi, ít nhất phải để giữa nhiệm kỳ 2020-2025 huyện mới có khả năng đạt được. Quan điểm chỉ đạo của thành phố trong việc này là chưa “chín” thì không gượng ép.
Yêu cầu huyện tiếp tục hoàn thiện thêm dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XXIV Đảng bộ huyện, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ lưu ý, phải làm rõ trong dự thảo vấn đề lớn nhất của huyện trong 5 năm tới là rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp làng nghề. Huyện đưa ra khái niệm xây dựng thành “quận phát triển mới” của thành phố, vậy phải làm rõ nội hàm, đó là: Quận đi sau nhưng phải về trước, phải hiện đại, văn minh, xanh, thân thiện với môi trường gắn với xây dựng chính quyền đô thị.
Bí thư Thành ủy đặc biệt lưu ý, trong quá trình phát triển thành quận, nhất là trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, Hoài Đức cần tránh mắc sai lầm của các quận nội đô hiện nay là mất cân đối về hạ tầng, không còn quỹ đất để phát triển hạ tầng xã hội, nhất là các thiết chế văn hóa, trường học... Quy hoạch phát triển đô thị phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, phát triển ngành nghề. Phát triển đô thị phải đi liền với tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn để bảo đảm chuyển dịch lao động. 5 năm tới, huyện phải duy trì tăng trưởng thương mại, dịch vụ cao hơn tăng trưởng kinh tế chung. Công nghiệp xây dựng chủ yếu đi vào thế mạnh là công nghiệp làng nghề, trong đó tách sản xuất ra khỏi khu dân cư để vừa tăng được quy mô, năng lực sản xuất, vừa khắc phục ô nhiễm môi trường.
Bí thư Thành ủy nhất trí với huyện khi chọn khâu đột phá là đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời lưu ý chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số, áp dụng quản trị thông minh; xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có tâm, vừa đủ tầm đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Cơ bản nhất trí với các kiến nghị, đề xuất của huyện, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ giao Văn phòng Thành ủy phối hợp Ban Cán sự đảng UBND thành phố và huyện Hoài Đức tham mưu phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị giải quyết, có thời hạn hoàn thành.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức khẳng định, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ đặt quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015-2020; hoàn thiện dự thảo văn kiện, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.
* Dịp này, thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ trao tặng 5.000 khẩu trang và 15 nhiệt kế hồng ngoại phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại các trường học trên địa bàn huyện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.