Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo Quy hoạch phát triển NTBD: Nhiều nội dung… “trên trời”!

Thụy Du| 21/05/2014 06:21

(HNM) - Hội nghị góp ý hoàn thiện dự thảo


Thiếu thực tế

Theo NSND Mai Tư, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa, "thực tế, nghệ thuật biểu diễn (NTBD) 15 năm qua quá vất vả và cực nhọc để có thể tồn tại, nhất là tại các địa phương". Song quy hoạch và tầm nhìn ở giai đoạn tiếp theo cho NTBD mà dự thảo đặt ra ở một số nội dung được cho là "không tưởng". Xét qua phần thực trạng, rõ ràng những số liệu khảo sát đưa ra trong dự thảo không hề sát thực tế, thiếu chính xác, nhất là ở phần cơ sở vật chất, trình độ nghệ sĩ và cơ chế chính sách. "Chúng ta không thể đưa vào trong bản Quy hoạch những số liệu theo kiểu ước tính. Nếu thực tại còn phải ước tính thì quy hoạch sao được tương lai?" - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Phú Thọ Vũ Trường Thành nhận định.

Dự thảo Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: Bảo Lâm


Có điều đáng nói là Quy hoạch phát triển NTBD đến năm 2010 đề ra rằng, 100% đơn vị nghệ thuật có sàn tập đủ điều kiện dàn dựng tác phẩm và đưa ra một danh mục nhà hát được nâng cấp, cải tạo, song đến nay con số thực hiện được (không thấy nêu cụ thể trong dự thảo) chắc chắn rất thấp và được đánh giá là không đạt hiệu quả. Tuy nhiên, dự thảo Quy hoạch lần này cũng vấp phải điều tương tự: "Đến năm 2020, xây mới và nâng cấp 71 công trình văn hóa". Theo NSƯT Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội thì: "Khi Quy hoạch được phê duyệt, đến hạn (năm 2020) chỉ còn khoảng 5 năm thì con số xây dựng trên quá lớn, việc đề ra tiêu chí này xem ra bay bổng quá".

Một việc nữa là phần đánh giá chất lượng các chương trình biểu diễn phục vụ công chúng ở từng vùng, miền chưa được dự thảo đề cập. "Tại các địa phương hay thậm chí vùng, miền hằng năm tổ chức bao nhiêu buổi diễn, bao nhiêu diễn viên tham gia, bao nhiêu khán giả, đầu tư những gì, giá trị những buổi biểu diễn ra sao, phải đánh giá được điều ấy thì mới thấy rõ chỗ nào "thấp", chỗ nào "cao", cần san chỗ nào và đôn chỗ nào?" - ông Vũ Trường Thành nói. Điều này cũng nhận được sự đồng tình của Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai Trần Hữu Sơn. Ông Sơn cho rằng: "Nếu không nhìn thấy được hiệu quả, cứ cố thực hiện mục tiêu xã hội hóa thì NTBD ở các địa phương, nhất là ở miền núi, không thể đến được với công chúng". Như vậy, sự chênh lệch giữa các vùng, miền trong hoạt động NTBD ngày càng lớn. Hơn nữa, một số chi tiết, số liệu và nội dung hoạch định trong dự thảo được các đại biểu cho rằng chưa có nét riêng mà nhang nhác bản Quy hoạch phát triển điện ảnh mới vừa được Chính phủ phê duyệt.

Đi từ nhân lực đến cơ sở vật chất

Theo ông Trần Hữu Sơn, một bản quy hoạch tổng thể phải có được tầm nhìn khái quát và đặt NTBD vào đúng bối cảnh toàn cầu hóa với nền khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão năm 2020, 2030 ra sao thì mới tính đến việc loại bỏ gì, giữ gìn gì và phát triển ra sao? Quy hoạch không cụ thể, lại thiếu "bàn tay" của người nghệ sĩ và người thưởng thức thì việc xây dựng nền NTBD Việt Nam trở thành mạnh trong khu vực Đông Nam Á… xem ra còn khó, nói gì đến vươn ra Châu Á và trên thế giới như mục tiêu Quy hoạch đề ra.

Có hai vấn đề tiên quyết cho hoạt động NTBD là nhân lực và cơ sở vật chất, dự thảo Quy hoạch nêu chưa đủ chi tiết. "Nên đưa nhân lực lên ưu tiên số một, nhất là vấn đề đào tạo diễn viên, đạo diễn, biên đạo tại các địa phương. Chúng ta phải biết rõ đến năm 2020, 2030, chúng ta có đội ngũ sáng tác nghệ thuật mạnh, trình độ ra sao thì mới có thể xác định được hướng đầu tư thích hợp" - ông Vũ Trường Thành nhấn mạnh.

Ở một khía cạnh khác, NSND Mai Tư cho rằng, nếu chỉ chú trọng đầu tư phát triển ở các thành phố trung tâm, các địa phương có di sản nghệ thuật cần bảo tồn mà "gạt" các địa phương khác ra ngoài như trong dự thảo đề cập là không công bằng và khiến họ tủi thân. Không thể "cào bằng" nhưng đồng đều cũng là mục tiêu cần hướng tới. Trong đó, việc phân cấp nhu cầu từng vùng, từng địa phương để áp dụng chính sách phát triển cụ thể cần thiết hơn là nêu chung chung, sẽ phát triển ở vùng này môn nghệ thuật này, xây cho vùng kia ngần ấy nhà hát…

Về mặt tổng thể, dự thảo Quy hoạch cũng được các đại biểu cho là có triển vọng thực hiện, song vấn đề cốt yếu là giải pháp về vốn cho các mục tiêu vẫn chưa cụ thể, thỏa đáng. Dẫu vậy, đây cũng mới chỉ là dự thảo và đang được đưa ra lấy ý kiến của các nhà chuyên môn. Vì vậy, vẫn còn nhiều hy vọng dự thảo sẽ được sửa đổi theo hướng sâu sát, phù hợp, chặt chẽ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Quy hoạch phát triển NTBD: Nhiều nội dung… “trên trời”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.