Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dư luận, truyền thông quốc tế ca ngợi thành tựu của Việt Nam: Điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư

Quỳnh Dương| 02/09/2021 06:31

(HNM) - Sau 76 năm giành độc lập (2/9/1945 - 2/9/2021), từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề do chiến tranh, Việt Nam đang mạnh mẽ vươn lên thành một "con rồng" châu Á đầy tiềm năng với những thành tựu kinh tế - xã hội được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hiện tại, bất chấp những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam, đồng thời cho rằng, thời gian tới, mảnh đất hình chữ S tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.

Các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Mới đây, trong bài viết có tiêu đề “Nền kinh tế Việt Nam có tiếp tục mạnh mẽ?” đăng trên trang thông tin chuyên phân tích về tài chính Intheblack của Australia, tác giả bài viết, nhà báo Cameron Cooper nhận định, với nguồn nhân lực dồi dào và nền tảng sản xuất vững chắc được phát triển qua 2 thập kỷ, Việt Nam đang sở hữu nhiều điểm thuận lợi để đối phó với những thách thức hiện nay. Viện Lowy, một tổ chức tư vấn đầu tư tài chính có trụ sở tại Sydney, đã đưa ra bảng xếp hạng 100 quốc gia phản ứng hiệu quả đối với đại dịch Covid-19, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2 chỉ sau New Zealand. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91% vào năm 2020, vượt qua cả Trung Quốc, nhờ nền tảng sản xuất đang phát triển và nhu cầu trong nước gia tăng mạnh mẽ. Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài dành cho Việt Nam vượt trội hơn hầu hết các quốc gia Đông Nam Á trong thời kỳ đại dịch.

Phân tích về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ông Warrick Cleine, Giám đốc điều hành KPMG - một trong những công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất tại Việt Nam nhấn mạnh 4 yếu tố. Thứ nhất, trong suốt năm 2020 và đầu năm 2021, Việt Nam quản lý kiểm soát biên giới và truy vết các ca bệnh Covid-19 tốt hơn hầu hết các quốc gia khác trong khu vực. Thứ hai, Việt Nam đang hưởng lợi với tư cách là bên tham gia nghiêm túc trong chuỗi thương mại và sản xuất toàn cầu trong suốt 2 thập kỷ qua. Thứ ba, nền kinh tế Việt Nam ít phụ thuộc vào nguồn thu từ du lịch hơn các nước láng giềng. Vì vậy, khi hầu hết các quốc gia đóng cửa biên giới, nguồn khách du lịch quốc tế giảm, Việt Nam phải gánh chịu ít tổn thất hơn. Cuối cùng, nguồn nhân lực trẻ đang là lực lượng “tiếp nhiên liệu” và sức mạnh cho nền kinh tế và trở thành một vùng đệm chống lại sự suy thoái toàn cầu.

Hiện tại, với việc những gã khổng lồ về công nghệ như Samsung và Apple đặt nhà máy sản xuất linh kiện và các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết, Việt Nam đang hy vọng trở thành một điểm đến dành cho ngành sản xuất công nghệ cao. Nhà kinh tế trưởng của Công ty đầu tư VinaCapital Michael Kokalari cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm bộc lộ những rủi ro của doanh nghiệp khi phải phụ thuộc quá nhiều vào một số nhà cung cấp chính. Việt Nam không phải đối mặt với những cạnh tranh bất lợi từ các nước láng giềng trong việc trở thành nơi đặt chân cho các nhà sản xuất nước ngoài. Hiện, Việt Nam có lợi thế khi có thể thu hút lực lượng lao động từ lĩnh vực nông nghiệp, vốn chiếm khoảng 45% tổng số lao động. Những lợi thế về nguồn nhân lực tại Việt Nam đang được các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc tích cực khai thác trong những năm gần đây.

Theo Giám đốc điều hành KPMG Warrick Cleine, Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành các luật và quy định thuận lợi nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và kinh doanh. Điều này sẽ làm gia tăng cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào bất kể lĩnh vực nào. Bên cạnh đó, ông Warrick Cleine cũng tin rằng, với thế mạnh về xuất khẩu của Việt Nam, trong thời gian tới, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ quan tâm tới chiến lược đầu tư vào các khu công nghiệp hoặc chuỗi trung chuyển hàng hóa logistics.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dư luận, truyền thông quốc tế ca ngợi thành tựu của Việt Nam: Điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.