(HNM) - Tết Dương lịch thường được coi là mốc khởi động của mùa du lịch nhộn nhịp. Tuy nhiên, theo dự đoán của giới lữ hành, trong tình hình người dân thắt chặt chi tiêu thì lượng khách đăng ký tour sẽ chỉ thực sự khởi sắc vào dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 với kỳ nghỉ kéo dài 9 ngày.
Nhiều khách sạn còn phòng trống
Giống như mọi năm, để chuẩn bị đón năm mới, các điểm du lịch, vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, cửa hàng…, đặc biệt là các khách sạn, nhà hàng lớn trên khắp mọi miền đất nước tất bật trang hoàng, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Khách du lịch nước ngoài tham quan phố cổ Hội An.Ảnh: Như Ý
Với kỳ nghỉ 4 ngày, các điểm vui chơi công cộng tại Hà Nội là địa chỉ thu hút lượng lớn du khách và người dân. Để chuẩn bị đón khách trong những ngày đầu năm mới. Vườn thú Thủ Lệ đã chỉnh trang cảnh quan, hoàn thiện các khu vui chơi dành cho thiếu nhi. Dự kiến, điểm vui chơi này sẽ thu hút khoảng 15.000 người. Công viên nước Hồ Tây đón chào năm mới bằng loạt chương trình nghệ thuật sôi động và vui nhộn - diễn ra từ ngày 22-12-2012 đến 1-1-2013 như ảo thuật hài, hề bơm bóng, nhảy hoạt hình, tâng bóng nghệ thuật, hoạt náo đón khách... Các chương trình này đều liên quan đến phong tục đón Tết của Việt Nam và các nước trên thế giới, gửi tới du khách thông điệp về một năm mới sức khỏe dồi dào, nhiều may mắn.
Dù không náo nhiệt như những điểm đón năm mới nơi công cộng nhưng một số khách sạn lớn như: Daewoo, Melia, Hilton, Metropole... cũng trở nên lộng lẫy hơn với hàng trăm ngọn đèn nhỏ bừng sáng nhấp nháy trước sảnh mặt tiền và ở khắp sân vườn. Ấn tượng hơn cả có lẽ là "Phiên chợ vùng cao" một lần nữa được tái hiện trong sân vườn khách sạn Metropole Hà Nội (từ ngày 23-12-2012 đến 2-1-2013) với sự tham gia của 6 phụ nữ dân tộc Dao đỏ đến từ hai bản Tà Phìn và Lao Chải (Lào Cai).
Cùng với Thủ đô Hà Nội, các điểm đến nổi tiếng khác như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt (Lâm Đồng), Hạ Long (Quảng Ninh), Sa Pa (Lào Cai), Phú Quốc (Kiên Giang)… cũng chào đón năm mới bằng nhiều chương trình ấn tượng như: "Lung linh năm mới", "Phố tỏa sáng", "Ẩm thực 3 miền", "Lễ hội đếm ngược chào đón năm mới"… Khảo sát tại Sa Pa, Đà Lạt, Đà Nẵng - được xem là những "điểm nóng" du lịch mùa lễ, tết cho thấy, đến sát kỳ nghỉ lễ nhưng nhiều khách sạn vẫn còn phòng trống, khác xa mọi năm.
Khu du lịch Sa Pa dự kiến đón trên 35.000 lượt du khách trong dịp Tết Dương lịch, nhưng theo nhân viên tại khách sạn Đặng Trung (Sa Pa), "mọi năm, chỉ đến đầu tháng 12 là các khách sạn ở đây đã kín phòng, năm nay lượng khách đặt phòng thấp hơn nhiều dù kỳ nghỉ Tết Dương lịch kéo dài 4 ngày đã cận kề". Từ các khách sạn tên tuổi cho đến các nhà nghỉ bình dân tại Sa Pa hiện vẫn còn phòng cho thuê. Còn tại Đà Lạt, cảnh quá tải, "chặt chém" khách tại các cơ sở lưu trú được thay bằng những lời chào mời nhẹ nhàng với cam kết không tăng giá. Giá thuê phòng dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng/phòng, tăng khoảng 100.000 đồng so với ngày thường. Các hãng lữ hành tại Đà Nẵng dự đoán số lượng khách đến thành phố vào dịp Tết Dương lịch chỉ tăng nhẹ, khoảng 10%. Lý do được ông Lê Tấn Thanh Tùng, đại diện Công ty Du lịch Vitours đưa ra là Tết Nguyên đán năm nay kéo dài 9 ngày nên khách có xu hướng đi tập trung vào dịp này nhiều hơn là Tết Dương lịch. Mặt khác, khách năm nay chủ yếu tự tổ chức chuyến đi theo nhóm gia đình, hoặc chỉ đặt một số dịch vụ tại các hãng lữ hành như vé máy bay, khách sạn… chứ ít thuê trọn gói. Điều đó khiến lượng khách đăng ký tour tại một số công ty giảm hẳn.
"Nói không" với tăng giá
Nhiều doanh nghiệp lữ hành dự báo, trong chuyến du ngoạn chào đón năm mới 2013, du khách sẽ không lo gặp phải cảnh quá tải hay "cháy" phòng khách sạn. Ngành chức năng cũng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho du khách.
Tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua đã xảy ra không ít vụ cướp giật tài sản của du khách, điều đó đã làm xấu đi hình ảnh của thành phố trong mắt bạn bè quốc tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dịch vụ du lịch tại đây. Chính vì vậy, UBND TP vừa chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tăng cường kiểm tra địa bàn, đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự du lịch và an toàn cho du khách, đặc biệt là vào những dịp lễ hội cuối năm, Tết Nguyên đán.
UBND huyện Sa Pa đã phối hợp với ngành chức năng của tỉnh Lào Cai chỉ đạo các công ty lữ hành, khách sạn, cơ sở lưu trú thực hiện niêm yết công khai giá phòng nghỉ, tăng cường công tác thanh - kiểm tra để khắc phục tình trạng tăng giá phòng, tăng giá dịch vụ khi lượng khách tăng cao. Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở VH, TT& DL Lào Cai khẳng định, Sa Pa quyết tâm "nói không" với vấn nạn "chặt chém", tăng giá dịch vụ nhằm tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách. Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành đang đẩy mạnh khai thác các tuyến, điểm du lịch mới với hy vọng mang đến những "món ngon, lạ" cho du khách nhân dịp năm mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.